Việc xây dựng “làng thông minh” từ lâu đã được xem là một giải pháp hữu hiệu góp phần hiện đại hóa khu vực nông thôn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% số xã trong cả nước đạt chuẩn NTM, trong đó khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, có tiêu chí về xây dựng ít nhất một mô hình thôn (xóm) NTM thông minh. 

W-tuongson.png
Một góc NTM xã Tượng Sơn

Xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019, xã NTM kiểu mẫu năm 2021. Đến nay, trên toàn xã Tượng Sơn đã cải tạo được trên 85% vườn hộ, trong đó có 22 vườn đạt 5/5 tiêu chí vườn mẫu. Số vườn có thu nhập hằng năm từ 50 triệu đồng trở lên đạt hơn 170 vườn. Trên địa bàn có 7/7 khu dân cư kiểu mẫu với các nhà văn hóa, khu thể thao tại các khu dân cư đạt chuẩn.

Tượng Sơn trở thành xã đặc biệt nhất Hà Tĩnh bởi hầu hết các tiến bộ khoa học công nghệ đều đã được địa phương này ứng dụng thành công vào sản xuất rau củ quả. Cụ thể là sản xuất rau VietGAP và theo hướng hữu cơ có gắn camera giám sát.

Giai đoạn cao trào xây dựng mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng NTM nên khi Tượng Sơn phát triển được những vườn hộ mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng khiến nhiều địa phương ngưỡng mộ, đến học tập kinh nghiệm.

Cuối năm 2020, để làm sạch môi trường, tăng tính kỷ luật trong sản xuất, xã Tượng Sơn lắp đặt 10 mắt camera giám sát hoạt động sản xuất tại các hộ dân thôn Hà Thanh. Năm nay, xã mở rộng thêm 10 mắt camera tại thôn Sâm Lộc và Thượng Phú.

Tại ba thôn thí điểm xây dựng mô hình NTM thông minh tại xã Tượng Sơn, UBND xã cấp cho mỗi hộ dân một mã QR, trong đó tích hợp tất cả các thông tin dân cư, hiện trạng sản xuất, cơ cấu lao động, sơ đồ vườn tược… được kết nối giữa các hộ gia đình với nhau thông qua internet.

Ngoài việc giúp định danh các hộ dân một cách dễ dàng, thông qua mã QR mỗi người dân cũng như cán bộ thôn xóm khi thấy môi trường, đường giao thông, phân loại rác thải… chưa bảo đảm, có thể quay video phản ánh qua phần mềm quản lý để có thể giám sát, đôn đốc lẫn nhau, đồng thời cán bộ thôn, xã có thể nắm bắt và có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Đặc biệt, tại thôn Hà Thanh, sau khi đặt tên đường, đánh số nhà cho tất cả các tuyến đường, hộ dân thì việc nhận diện, cập nhật tình hình tại đây đã được số hóa, chỉ cần một thao tác quét mã QR trước cổng thôn, du khách và người dân có thể nhận biết vị trí, thực trạng đời sống của từng gia đình một cách dễ dàng.

Không thể phủ nhận, từ ngày triển khai chuyển đổi số, thực hiện mô hình thôn thông minh, sau những khó khăn ban đầu, công việc thôn xóm trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều. Không chỉ vậy, phong cách làm việc cũng mới mẻ, hiện đại hơn; đặc biệt, hiệu quả công việc cũng tăng lên nhiều lần.

“Thành công của xây dựng thôn thông minh đã “chắp cánh” cho xây dựng NTM ở Tượng Sơn hiệu quả hơn”, ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn khẳng định.