Trao đổi tại buổi gặp mặt hội viên Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - NCA năm 2025 chủ đề “An ninh mạng trong giai đoạn mới - Hợp lực bảo vệ không gian số” diễn ra ngày 11/4, đánh giá cao những kết quả Hiệp hội đạt được trong năm 2024, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – A05 (Bộ Công an), Phó Chủ tịch Thường trực NCA cũng đã chỉ rõ 7 trọng tâm hoạt động của Hiệp hội trong năm 2025.
Theo đó, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng an ninh mạng được lãnh đạo A05 và NCA đặc biệt chú trọng. Cụ thể, Trung tướng Nguyễn Minh Chính nêu yêu cầu Hiệp hội cần có các chương trình, hoạt động cụ thể để triển khai hiệu quả nhiệm vụ "Bình dân học vụ số" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cơ bản cho người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo an toàn trên không gian mạng.

NCA cũng cần tăng cường đào tạo kỹ năng, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ, sản phẩm nội địa trong lĩnh vực an ninh mạng. Các đơn vị trực thuộc Hiệp hội cần chủ động đề xuất, thực hiện các sáng kiến, dự án có tính ứng dụng cao.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và các hoạt động truyền thông đối ngoại để hình ảnh và các hoạt động của Hiệp hội được tiếp cận tới nhiều đối tượng từ người dân, doanh nghiệp đến đội ngũ chuyên gia, cán bộ chuyên trách.
“Hiệp hội cần phát động Giải thưởng dành cho học sinh, sinh viên toàn quốc trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng; đồng thời triển khai chương trình giáo dục, trải nghiệm an ninh mạng cho trẻ em nhằm xây dựng thế hệ công dân số có trách nhiệm và năng lực tự bảo vệ mình trong môi trường mạng”, Trung tướng Nguyễn Minh Chính chỉ đạo.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ làm việc, giải trí không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, những nguy cơ rủi ro về sự an toàn, bảo mật thông tin, về đảm bảo quyền riêng tư cũng đang càng gia tăng.
Với đối tượng trẻ em, những nguy cơ, rủi ro này càng trở nên rõ nét hơn khi các em chưa có đủ kỹ năng để nhận diện cũng như phòng tránh. Đây là những thách thức không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bảo vệ trẻ em, tăng cường hợp tác kết nối trên không gian mạng để bảo vệ và trao quyền cho trẻ em cũng là những vấn đề đang được đặt ra.

Chia sẻ tại phiên hội thảo chuyên đề về trẻ em trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA Đặng Vũ Sơn nhận xét: Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là chương trình 830) đã tạo động lực thúc đẩy sự tham gia tích cực từ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Tuy vậy, trong thực tiễn triển khai, vẫn còn những hạn chế trong việc kết nối và phối hợp giữa các bên liên quan, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Khẳng định cam kết đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp để thực hiện các sáng kiến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại diện VNISA cho hay, thời gian qua, nhiều hoạt động để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình 830 đã được Hiệp hội chủ trì triển khai.
Đó là, tổ chức cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” để nâng cao nhận thức và kỹ năng của học sinh trên cả nước; thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng nhằm tập hợp và kết nối các nguồn lực; ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03/VNISA về “Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” để hỗ trợ và định hướng nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ.
“Chúng tôi tin rằng, sự kết nối và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các thách thức và mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Thời gian tới, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần tiếp tục hợp chặt chẽ để cùng nhau xây dựng một môi trường mạng thực sự an toàn và bền vững cho thế hệ trẻ”, đại diện VNISA chia sẻ.