Trải qua gần ba thập kỷ gia nhập ASEAN, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm nghĩa vụ của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của ASEAN. Điều đó được thể hiện ở việc tham gia sâu, rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, trong đó, các hoạt động hợp tác trong trụ cột Cộng đồng - Văn hoá Xã hội nói chung, trong lĩnh vực lao động và xã hội nói riêng đã đạt được kết quả, thành công đáng kể và hứa hẹn những triển vọng tốt đẹp trong tương lai.

Từ Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ 2, tháng 12/1997, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí sẽ xây dựng Cộng đồng Văn hoá – Xã hội nhằm thúc đẩy hình thành ý thức về bản sắc khu vực, nhận thức về khu vực và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau trong nhân dân các nước ASEAN.

W-coasean.png

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10, Vientiane, Lào, tháng 11/2004, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể và Kế hoạch hành động xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC), gồm có 6 đặc tố: (i) Phát triển con người, (ii) Phúc lợi và bảo hiểm xã hội, (iii) Các quyền và bình đẳng xã hội, (iv) Đảm bảo môi trường bền vững, (v) Tạo dựng bản sắc ASEAN và (vi) Thu hẹp khoảng cách phát triển.

Trong giai đoạn 2014-2015, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhóm Công tác đặc trách cấp cao của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2011-2015, xây dựng Tầm nhìn đến năm 2025 và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 để trình các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua.

Đặc biệt, Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án Thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025, trong đó, các Bộ, ngành liên quan sẽ tích cực rà soát và chủ động lồng ghép các hoạt động được đề ra trong Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025 vào chương trình, chiến lược của mình nhằm kết nối chặt chẽ việc thực hiện ở cấp khu vực với nỗ lực của cấp quốc gia trong giai đoạn 2016-2025.

Theo đó, ASCC trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN tới 2025 đã làm rõ hơn nội dung Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, là Cộng đồng sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cụ thể, chạm tới mọi tầng lớp trong xã hội. Quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các nhóm yếu thế sẽ luôn được quan tâm, thúc đẩy và bảo vệ. Lao động lành nghề trong 8 lĩnh vực đã có thỏa thuận công nhận lẫn nhau (kế toán, kỹ sư, khảo sát, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa và du lịch) có cơ hội trải nghiệm việc làm tại tất cả các nước trong ASEAN và có thể kỳ vọng trong tương lai rằng các thỏa thuận như vậy sẽ tiếp tục được hoàn thiện và mở rộng sang nhiều ngành nghề khác.

Năm 2020, giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thảo luận sớm về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Sáng kiến này đạt được sự đồng thuận cao. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí cho rằng, ASCC trong Tầm nhìn mới cần hướng tới người dân nhiều hơn, gắn kết người dân hơn, giúp cho người dân tích cực, chủ động và có trách nhiệm hơn, trong việc tham gia xây dựng một xã hội phục vụ tốt nhất cho chính người dân. Như vậy, để Cộng đồng ASEAN thực hiện được mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, thì ASCC phải góp phần thể hiện được 3 góc độ: Cộng đồng vì người dân, do người dân và của người dân.

Minh Thu và nhóm PV, BTV