Ngày 15/1, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và một số cơ quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hoá trong Đảng giai đoạn mới.

vanhoa1.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Vai trò của văn hóa có lúc chưa được coi trọng và phát huy đúng mức

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, lịch sử 95 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải qua các kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, kỷ nguyên đổi mới, hội nhập và phát triển, văn hoá trong Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một bộ phận quan trọng, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, tiên phong nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam. 

VID_20250115190657898.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo ông Thắng, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, cần nhìn nhận nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng còn nhiều hạn chế, bất cập. Vai trò của văn hóa trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nơi chưa được coi trọng và phát huy đúng mức. Nội dung, phương thức xây dựng văn hóa trong Đảng chưa được chú trọng xứng tầm. 

Thậm chí có cấp ủy và Đảng viên chưa quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng, chưa quyết liệt, sâu sát trong quản lý Đảng viên. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, tiêu cực diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. 

"Có những cán bộ Đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, bị cám dỗ, mua chuộc, lao vào những lợi ích bất minh, không làm tròn bổn phận, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân", ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết.

Tại hội thảo, ông Thắng đề nghị các đại biểu nhìn lại các chặng đường lịch sử qua 95 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong đó có 40 năm Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, làm rõ cơ sở khoa học để thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa trong Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hoá chính trị và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Tổng kết, đánh giá những nhiệm vụ cụ thể trong việc triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng; Đề xuất, kiến nghị mục tiêu, phương hướng và cách thức xây dựng văn hóa trong Đảng phù hợp với bối cảnh mới.

Vai trò điều tiết của văn hóa rất quan trọng

GS. TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, vai trò điều tiết của văn hóa rất quan trọng, đặc biệt trong xử lý quan hệ giữa tốt và xấu, đẹp và xấu, sự trong sáng và lòng tham lam, cao thượng và thấp hèn, thiện và ác... để hạn chế tối đa tình trạng suy thoái. Thời gian qua, nhiều Đảng viên, cán bộ ở các cấp khác nhau bị kỷ luật chính vì thiếu văn hóa, không đủ năng lực để điều tiết chính mình bằng sức mạnh của các giá trị văn hóa. Vì vậy, cần giáo dục, rèn luyện cán bộ Đảng viên nhằm nuôi dưỡng trong nhân cách Đảng viên các giá trị văn hóa, năng lực vận dụng các giá trị đó để điều tiết cuộc sống, suy nghĩ và hành động của mình. 

"Phải xây dựng quy ước văn hóa và chế tài thực hiện. Sống, làm việc... theo pháp luật là pháp lý phải thực hiện. Còn sống, hoạt động, sinh hoạt theo các giá trị, chuẩn mực văn hóa là tự giác, tự nguyện. Vì vậy, tôi xin dùng 'quy ước văn hóa' mà không phải là quy định hay chỉ thị. Khi quy ước được đồng thuận, sẽ có những chế tài để bảo đảm quy ước được thực hiện", ông Dũng nêu quan điểm.

Tham luận tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng nêu lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng ta và nhấn mạnh "làm cho dân tin thì dân sẽ theo".

Ông Dương phân tích thêm, xây dựng văn hoá Đảng là "phải gương mẫu, nói được làm được, phải nêu gương". Nếu cán bộ, Đảng viên vi phạm kỷ luật, không nêu gương, tham nhũng thì "không thể nói gì được".

vanhoa4.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề cập việc thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, nhất là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy Đảng các cấp trong triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng.

"Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng, gắn với đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật… tổ chức Đảng, Đảng viên, tạo bước chuyển căn bản trong ý thức tự giác và trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, Đảng viên trong xây dựng, thực hành các giá trị văn hóa trong Đảng", ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu tập trung tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bôi nhọ các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng; kiên quyết, kiên trì tiến công, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Ảnh: Nguyễn Chắt