Huyện Ia H’Drai được thành lập năm 2015, có đường biên giới dài hơn 79 km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ia H’Drai đặt mục tiêu xây dựng huyện đến cuối nhiệm kỳ cơ bản đạt được tiêu chí của huyện nông thôn mới.
Với mục tiêu tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn, giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng và các nhóm dân cư tại địa bàn. Cấp ủy, chính quyền huyện Ia H’Drai luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các Chương trình MTQG với nguyên tắc: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; không thực hiện đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo và cộng đồng.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn cơ bản đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra, quá trình triển khai thực hiện đảm bảo bám sát các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên.
Năm 2021, xã Ia Dom được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, năm 2023 xã Ia Đal đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Năm 2024, huyện Ia H’Drai phấn đấu, xây dựng kế hoạch để xã Ia Tơi đạt chuẩn xã nông thôn mới, xã Ia Dom đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và xã Ia Đal sẽ tiếp tục củng cố các tiêu chí nông thôn mới, tạo tiền đề cho huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới Ia H'Drai, huyện xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; phong trào vận động phát triển kinh tế các tổ hợp tác, hợp tác xã; ý thức về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất được nhân dân hưởng ứng tích cực. Năng suất, chất lượng, sản lượng nông sản tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Nhờ triển khai hiệu quả các mô hình mà có nhiều hộ đã thu về khoảng 42 triệu đồng/năm, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của toàn xã năm 2021 lên 36 triệu đồng, tăng 19 triệu đồng so với năm 2017.
Để giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, Uỷ ban nhân dân huyện và xã cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương để góp phần tăng thu nhập. Bên cạnh đó, xã cũng thực hiện nhiều chương trình, đề án hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi ở trên địa bàn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách của huyện để hướng dẫn, giúp đỡ cho bà con tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách để có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất thêm cho gia đình.
Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện; ý thức tự giác, sự thống nhất, đồng lòng, nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành và nhân dân đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Ia H’Drai.
Sau gần 9 năm phấn đấu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với điểm xuất phát thấp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, trên địa bàn huyện Ia H’Drai đã có 2 xã là Ia Dom và Ia Đal đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn ngày càng được cải thiện, đời sống của người dân được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18%. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện nông thôn từng bước được cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Với những thành tựu đã đạt được trên chặng đường xây dựng nông thôn mới đã qua, cùng với tinh thần đoàn kết, nhất trí, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ia H'Drai sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Ia H'Drai ngày càng giàu đẹp, văn minh.