Sau hơn 12 năm thực hiện, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, của tỉnh, cùng với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo của các địa phương và sự nỗ lực của Nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 7/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Huyện Kim Sơn đã đủ điều kiện và đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM; có 119/119 xã đạt chuẩn NTM; có 30/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 333/1.355 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đây là những cơ sở vững chắc để Ninh Bình đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, điều kiện và hồ sơ để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. 

Nông thôn Ninh Bình đang đổi thay từng ngày, thực sự trở thành những miền quê đáng sống.

Sau khi đăng ký xây dựng NTM nâng cao, các xã đã cố gắng nỗ lực lãnh đạo triển khai thực hiện để đạt mục tiêu đề ra. 

Kết quả sản phẩm xếp hạng sản phẩm OCOP: Toàn tỉnh đã có 54 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 39 sản phẩm hạng 4 sao, 15 sản phẩm hạng 3 sao.

Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, từng bước kết nối với đô thị; môi trường ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp.

Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ; tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đổi mới theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy lợi thế vùng, địa phương, nâng cao giá trị, phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước rút ngắn khoảng cách với đô thị.

An sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn khu vực nông thôn được đảm bảo, tệ nạn xã hội được kiềm chế.

Chất lượng giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân được nâng lên; các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện. Hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh, tinh thần đoàn kết cộng đồng ngày càng chặt chẽ, Nhân dân được làm chủ và được hưởng lợi từ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Năm 2023, Ninh Bình đặt mục tiêu: Huyện Kim Sơn được công nhận huyện đạt chuẩn NTM; huyện Hoa Lư, Yên Khánh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn tỉnh có thêm ít nhất 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh Ninh Bình đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, trong khi đó, từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều. 

Vì vậy, các địa phương, các đoàn thể cần đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, làm sao huy động sự chung tay góp sức của toàn xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Các sở, ban, ngành được giao phụ trách từng tiêu chí NTM cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các huyện, xã. 

Đối với các huyện, thành phố cần rà soát, đánh giá các tiêu chí, điều kiện huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao; xây dựng lộ trình triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ các công việc, dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu các tiêu chí huyện NTM, NTM nâng cao (ở các huyện Kim Sơn, Hoa Lư, Yên Khánh), hoàn thiện hồ sơ xét công nhận theo đúng kế hoạch. 

Yến Hưng