Cà Mau là một tỉnh cực Nam của tổ quốc, với lợi thế 3 mặt tiếp giáp biển, có hơn 80 cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển, trên 67.500 ha rừng ngập mặn, tạo điều kiện lý tưởng cho phát triển thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm. Hiện nay, toàn tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 300.000 ha.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, diện tích nuôi sò huyết trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay là 9.616,66 ha, tổng sản lượng trên 9.600 tấn/năm. Một số xã thuộc huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước, Ðầm Dơi... đã đẩy mạnh thực hiện mô hình này. Ngoài ra, khi nuôi kết hợp nhiều loài thuỷ sản trong cùng diện tích sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với độc canh con tôm.

W-nuoitom.png

Nuôi tôm sú sinh thái là mô hình khác biệt của nghề nuôi tôm ở Cà Mau so với các tỉnh. Ðến nay, tỉnh có khoảng 39.500 ha nuôi tôm dưới tán rừng, tập trung ở các huyện: Ngọc Hiển (22.870 ha), Năm Căn (7.625 ha), Ðầm Dơi (5.000 ha) và Phú Tân (4.000 ha); trong đó có khoảng 19.000 ha, của gần 4.200 hộ, tôm đạt các chứng nhận quốc tế. Theo các hộ nuôi tôm mô hình này cho hay, dù năng suất không cao như những mô hình nuôi khác nhưng tỷ lệ rủi ro thấp, chi phí đầu tư ít, chất lượng tôm nuôi cao và ổn định. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên của các địa phương, nên thời gian qua có tác động tích cực tới nguồn lợi thuỷ sản và hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Theo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, trong định hướng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh này đến năm 2030, vẫn xác định con tôm là thế mạnh kinh tế của tỉnh. Cùng với tôm sinh thái là việc phát triển các mô hình tôm siêu thâm canh, nuôi tôm công nghiệp tập trung, đẩy mạnh nuôi tôm quảng canh cải tiến, xen canh lúa-tôm càng xanh và lúa-tôm sú.

Đáng chú ý, vùng lúa-tôm của địa phương vừa được tổ chức BUREAU VERITAS tại Việt Nam trao giấy chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất) của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu (GAA).

Tham gia dự án Tôm- Lúa theo tiêu chuẩn BAP có 231 hộ dân, với tổng diện tích hơn 696 héc ta tại xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình. Sau hơn 2 năm triển khai và thực hiện dự án, các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Biển Bạch Đông được đơn vị có thẩm quyền đánh giá đạt chứng nhận BAP.

Lợi ích lớn nhất khi được cấp chứng nhận BAP chính là giải quyết vấn đề nuôi tôm không bền vững cho các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, từ đó, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, bảo đảm lợi ích xã hội, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp; đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững môi trường, xã hội, an sinh và an toàn thực phẩm.

Khi có giấy chứng nhận BAP, các nông hộ sản xuất thuỷ sản sẽ rộng đường xuất khẩu đến hầu hết các quốc gia khó tính trên thế giới.