Nhìn lại hành trình phát triển của đất nước thời gian qua, trong các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, nông nghiệp là lĩnh vực đổi mới sớm nhất. Từ một đất nước thiếu ăn, cách nay hơn ¼ thế kỷ, an ninh lương thực của đất nước được đảm bảo, từ nước đói kém phải nhập gạo triền miên, Việt Nam đã trở thành “cường quốc” xuất khẩu lúa gạo.
Ngành nông nghiệp là ngành duy nhất xuất siêu năm sau cao hơn năm trước, trong khi cả nước luôn nhập siêu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất siêu của nông nghiệp chiếm tỷ lệ tương đối cao trong xuất siêu của cả nền kinh tế. Năm ngoái, xuất siêu của ngành nông nghiệp đạt 8,76 tỷ USD, chiếm 77,41%, đây là nguồn ngoại tệ để mua trang thiết bị công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đáng chú ý, hiện Việt Nam có 4 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên với trị giá 11,89 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 mặt hàng này chiếm tới 88% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Trong đó, có 3 mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất trong 10 năm, bao gồm rau quả, cà phê và gạo. Cụ thể, mặt hàng rau quả đạt 3,49 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 4,99 lần so với năm 2013 (đạt 0,7 tỷ USD).
Trong thành công chung của đất nước có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Nông nghiệp là động lực
Mặc dù đất nước đã bước vào một giai đoạn phát triển mới, song nông nghiệp vẫn luôn khẳng định vai trò bệ đỡ, góp phần ổn định đời sống người dân trong những lúc khó khăn. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có đóng góp rất quan trọng, trên nhiều khía cạnh vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngành nông nghiệp đã vượt qua sóng gió, nỗ lực đương đầu, thích ứng linh hoạt với khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường nông sản toàn cầu bị đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và đạt được nhiều thành công mới. Sản xuất vẫn được duy trì, phát triển, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Chính phủ giao.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp có thêm nhiều tín hiệu phấn khởi trong chuyển sang phát triển theo chiều sâu, bền vững, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xanh, đem lại giá trị gia tăng cao. Nhiều ngành hàng trở thành những điểm sáng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn góp phần tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. Ngày càng có nhiều nông dân biết làm giàu từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp còn một số bất cập, hạn chế cần tập trung khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới như phát triển chưa tương xứng tiềm năng thế mạnh, nhất là kinh tế biển; chưa bền vững, chưa đi vào chiều sâu, chưa dựa nhiều vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong quá trình phát triển chưa linh hoạt, chủ động thích ứng với điều kiện, diễn biến mới; chưa thực sự chủ động, phát triển theo định hướng. Công tác dự báo về thị trường, biến đổi khí hậu còn hạn chế; việc khắc phục ảnh hưởng biến đổi khí hậu, giảm phát thải metan chưa được chú trọng. Công nghệ chế biến sau thu hoạch vẫn yếu.
Thị trường xuất khẩu của ngành Nông nghiệp chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường; xuất khẩu còn chưa cân đối; một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế; thặng dư cán cân thương mại chưa cao. Việc bảo vệ rừng, phát triển tài nguyên rừng còn bất cập, hạn chế, nhất là nạn phá rừng còn phức tạp; bảo vệ nguồn nước chưa được chú trọng. Chưa có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Đời sống của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… còn khó khăn.
Nông thôn là nền tảng
Theo các nhà khoa học, hiện nay và trong thời gian tới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta chịu tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài, đan xen cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức phức tạp.
Đó là tác động mạnh mẽ, sâu sắc của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ở trong nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng với yêu cầu “thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đó là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh xuyên biên giới và những tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ, yêu cầu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững…
Bối cảnh mới đòi hỏi cần chú trọng thúc đẩy phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn thực hiện vai trò “bà đỡ” để đưa vốn, thị trường, tri thức, kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và chuỗi giá trị.
Cùng với đó, phải coi trọng thúc đẩy các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất theo Luật Hợp tác xã năm 2012, theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao bảo đảm tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm để kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Các hội, hiệp hội nghề nghiệp, hội nông dân, các cơ quan quản lý nhà nước tích cực hỗ trợ thông qua đào tạo, chuyển giao công nghệ, tạo dựng các mối liên kết, kết nối, cung cấp thông tin thị trường. Tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân nông thôn, tạo động lực để nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh.
Nông dân là trung tâm
Trong một đất nước, khi nói đến Nhân dân là nói về Nông dân, khi nền kinh tế đất nước vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất Nông nghiệp, không gian sinh tồn chủ yếu của cư dân là Nông thôn, thì sự ổn định của khu vực này là sự ổn định của đất nước, sự phát triển của khu vực này là sự phát triển của quốc gia.
Còn nhớ, trong một buổi là việc với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh "phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước".
Về mối quan hệ giữa các trụ cột, Thủ tướng nói rõ thêm, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực.
“Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ”, Thủ tướng nêu rõ. Đây là điều quan trọng nhất.
Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Nguồn lực bên trong bao gồm tài nguyên con người, truyền thống lịch sử văn hóa, tài nguyên đất đai, nước, không khí.
“Yếu tố con người quyết định tất cả. Do đó, người nông dân đóng vai trò trung tâm là như thế”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, đó là khoa học quản lý, khoa học công nghệ, là nguồn vốn…
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, “có kế thừa nhưng phải có đổi mới, có ổn định nhưng phải có phát triển”. Không trông chờ ỷ lại, phải chủ động tiến công, linh hoạt, sáng tạo, từ đó, mới “biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể…”, như vậy mới phát triển được.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tập trung chuyển đổi số cho nông nghiệp để người dân được thụ hưởng thành quả; tổ chức tốt công tác thống kê để có dữ liệu phân tích, dự báo và có kế hoạch, quy hoạch, hoạch định chính sách để phát triển. Thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tổ chức thực hiện giảm phát thải metan theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Phát triển kinh tế vùng, xây dựng chuỗi sản phẩm, liên kết quốc tế.
Đồng thời, chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa; giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của các vùng miền, gắn với phát triển du lịch. Đảm bảo an sinh, xã hội, thị trường lao động ở khu vực nông thôn để người dân không cần ly nông, không cần ly hương.