Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Với mục đích nâng cao đời sống của nhân dân cả về vật chất và tinh thần, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Xây dựng NTM bền vững không chỉ là yêu cầu bức thiết, mà còn là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM ở nước ta hiện nay.
Hơn 13 năm qua, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã góp phần giúp diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện và cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn có những chuyển biến tích cực, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Qua đó, góp phần đưa Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào thực tiễn.
Quyết định số 312/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đặt ra yêu cầu khá cao. Đến thời điểm này, cả nước mới có 5 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, bao gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương.
Nam Định: Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền tỉnh Nam Định đã quyết liệt đẩy mạnh phong trào thi đua "Chung sức xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu", cho đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn.
Giai đoạn từ 2011-2015, phong trào xây dựng NTM đã bắt đầu mang lại sự khởi sắc cho các xã, thị trấn tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Trong số các đơn vị hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đã có 10 xã đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 03/12/2015.
Ngoài ra, nhân dân và cán bộ xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng đã đạt thành tích Tập thể tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 02/12/2015.
Đặc biệt, trong năm 2015 nhân dân và cán bộ huyện Hải Hậu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ tại Quyết định số 2138/QĐ-TTg ngày 02/12/2015, góp phần tạo động lực to lớn cho toàn tỉnh những năm tiếp theo.
Giai đoạn 2016-2020, tiếp bước những thành công giai đoạn trước phong trào NTM được các cấp chính quyền chú trọng, quan tâm triển khai. Qua thời gian thực hiện phong trào đã mang lại những kết quả vô cùng nổi bật. Số lượng xã, thị trấn đạt chuẩn nông thông mới tăng, trong đó có 7 xã đã có thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 18/10/2019.
Ngoài ra, 8 huyện và 1 thành phố thuộc tỉnh đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba tại Quyết định số 1747/QĐ-CTN ngày 18/10/2019, Quyết định số 2248/QĐ-CTN ngày 05/12/2019.
Đặc biệt, năm 2019 nhân dân và cán bộ tỉnh Nam Định đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba tại Quyết định số 1740/QĐ-CTN ngày 18/10/2019.
Tính đến năm 2019, tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010-2020. Đây là tiền đề, lợi thế quan trọng để tỉnh tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng.
Giai đoạn 2021-2025, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đạt nhiều kết quả khá tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Các chương trình mục tiêu quốc gia luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo triển khai của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đã đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được triển khai sâu rộng, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân, đạt nhiều kết quả tốt; hệ thống văn bản chính sách thực hiện Chương trình đã được Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Nam Định tiếp tục được đẩy mạnh với các tiêu chí nâng cao gắn với mô hình nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” để phát triển bền vững giai đoạn 2019-2025.
Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy các cách làm hay, cuộc vận động ý nghĩa, góp phần thực hiện phong trào thi đua. Thông qua phong trào thi đua xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trong đóng góp làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng; điển hình trong phát triển kinh tế; các mô hình sản xuất theo hướng bền vững...
Đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh đã có 197/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 96,6%) và 34/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 18%).
Trong thời gian tới, phát huy thành quả trong xây dựng NTM, tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 với chủ đề: “Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025”, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh.
Đồng Nai: Trong phong trào xây dựng NTM của cả nước, Đồng Nai nhiều năm qua luôn là một trong những tỉnh đi đầu.
Đến nay, tiếp tục vượt mục tiêu đưa ra, Đồng Nai với những thế mạnh và sự quyết tâm của mình vẫn đang giữ vững vị trí là một trong những “ngọn cờ đầu” của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 110 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 30 xã NTM kiểu mẫu. Tỉnh hiện đang đứng thứ 2 cả nước về số xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu.
Theo tiến độ và kế hoạch, trong năm 2024 tỉnh này sẽ có thêm 3 huyện là Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ hoàn thành hồ sơ minh chứng để được công nhân đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Ngoài ra, huyện Định Quán cũng bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Trung ương để được xét duyệt.
Năm 2023, huyện Xuân Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai và là huyện thứ 3 của cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Từ năm 2014, Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, huyện được Trung ương chọn là một trong 4 địa phương của cả nước thí điểm huyện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Không chỉ là địa phương đi đầu về thành tích, Đồng Nai được đánh giá là thực hiện mô hình NTM có nhiều sáng tạo, tận dụng được thế mạnh của mình, xây dựng đời sống mới tốt đẹp ở nông thôn đồng thời phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Nhìn chung, trên cả nước hiếm có vùng nào kết hợp được cả phát triển phong trào NTM và phát triển nông nghiệp bền vững như Đồng Nai. Một phần, là do đặc thù nền nông nghiệp của tỉnh đã có một nền tảng, định hướng tương đối phát triển vững mạnh trước đó, đồng thời là khu vực thuận lợi trong phát triển nông nghiệp cũng như thu hút đầu tư vào ngành này.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong phát triển nông nghiệp hiện tại, toàn tỉnh đã có đến hơn 230 chuỗi liên kết, hơn 200 HTX nông nghiệp và hơn 1.300 trang trại gia súc, gia cầm, nông lâm thủy sản các loại. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025, từ đầu năm 2024 ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã đặt mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản từ 3 đến 5%. Trong đó, tập trung cho các mục tiêu đột phá quan trọng của ngành trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thu hút đầu tư chế biến sâu…
Hiện tại, Đồng Nai có 127 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với nông sản chủ lực của tỉnh, với tổng diện tích gần 40.700ha. Trong đó, có 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với quy mô gần 1.600ha. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của tỉnh đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giữ vai trò dẫn dắt, kết nối với hợp tác xã, nông dân trong xây dựng mã số vùng trồng, từ đó giúp minh bạch sản phẩm, xây dựng được niềm tin đối với quốc tế.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, nhờ xây dựng phong trào NTM một cách toàn diện, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Dẫn đầu trong đó là tại các khu dân cư kiểu mẫu. Tại các điểm này, một “bức tranh” đời sống đẹp đẽ khiến niềm vui được lan tỏa, đường sá được xây dựng bề thế khang trang, điện nước được đầu tư về tận nơi sản xuất, giúp người dân phát triển nông nghiệp một cách thuận lợi. Giáo dục, y tế, an ninh trật tự luôn đảm bảo.
Hà Nam: Tỉnh Hà Nam hướng đến mục tiêu xây dựng NTM thiết thực, hiệu quả, phấn đấu là tỉnh có nền kinh tế phát triển bền vững.
Với phương châm chọn điểm mang tính đột phá theo hướng “dễ làm trước, khó làm sau” và có lộ trình cụ thể để tạo động lực thực hiện. Ngay từ những năm đầu thưc hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Hà Nam đã tập trung cao cho công tác xây dựng quy hoạch. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai hiệu quả thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng NTM gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội – môi trường, quy hoạch sử dụng đất, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng hiện đại được hoàn thiện, làm cơ sở để quản lý và định hướng cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo quy hoạch. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư hướng đến đồng bộ hơn, diện mạo nông thôn đổi mới, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa và các công trình phục vụ phúc lợi công cộng, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về không gian, thu nhập, mức sống.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2024, các xã đã huy động các nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới, đưa vào sử dụng một số hạng mục công trình (hơn 70 km đường giao thông nông thôn, 460 phòng học các cấp, 1 trụ sở ủy ban nhân dân xã, 4 nhà văn hóa và sân thể thao xã, 11 nhà văn hóa thôn, 3 trạm y tế xã và hệ thống rãnh thoát nước).
Tỉnh đã hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai; cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn bảo đảm an toàn; tu sửa, nâng cấp chợ nông thôn. Hà Nam từng bước thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đầu tư, nâng cấp các điểm tập kết rác thải sinh hoạt... đáp ứng các yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Đối với ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Hà Nam triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn..., góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương...
Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tiếp tục được triển khai, năm 2024 có 35 ý tưởng sản phẩm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tham gia Chương trình OCOP. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đang phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai thực hiện các bước tiếp theo của quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, dự kiến sẽ công nhận từ 25-30 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên; từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Hưng Yên: Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn của tỉnh Hưng Yên không ngừng được đầu tư phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Xác định xây dựng NTM là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Tỉnh nói chung, của người dân nông thôn nói riêng nên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, ngày 4/10/2010, Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
Trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh Hưng Yên hỗ trợ 203 tỷ đồng, tương đương khoảng 145 nghìn tấn xi măng cho các địa phương làm 1.016km đường giao thông. Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh tiếp tục ban hành nhiều các cơ chế, chính sách mới tạo sự đột phá như: Hỗ trợ các thôn, xã khó khăn xây dựng nhà văn hóa, trường học, đường giao thông, tập trung cải tạo cảnh quan môi trường, thay đổi cách đánh giá, thẩm định xã đạt chuẩn NTM… Các chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện cho các địa phương thuận lợi triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình NTM.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được các cấp, ngành từ Tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng, qua đó phát huy tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân trong việc khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát huy vai trò của người dân chung sức xây dựng NTM.
Từ năm 2011 đến năm 2019, toàn tỉnh Hưng Yên đã huy động gần 64 nghìn tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó Nhân dân đóng góp trên 42 nghìn tỷ đồng. Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến năm 2020, Hưng Yên là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, với 100% số xã đạt chuẩn NTM năm 2019.
Với chủ trương xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn Tỉnh sẽ có 55 - 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1 - 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, chương trình xây dựng NTM ở tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ tập trung vào hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà còn chú trọng đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng trong xã hội nông thôn.
Vừa qua, Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Sau khi đánh giá, thẩm định hồ sơ, mức độ đạt chuẩn từng tiêu chí tại các địa phương, Hội đồng thẩm định nhất trí đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên công nhận 36 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đợt 1 năm 2024. Trong đó, đề nghị công nhận 8 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Đối với 23 xã còn lại, yêu cầu các địa phương tập trung hoàn thiện các nội dung, tiêu chí chưa hoàn thiện, báo cáo sở, ngành liên quan và Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh kết quả hoàn thiện các nội dung, tiêu chí để trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong tháng Mười một.
Với kết quả đã đạt được, cùng với việc huyện Văn Giang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, tỉnh Hưng Yên tự tin sẽ hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM của năm 2024.
Hải Dương: Hải Dương là một trong 5 tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 16/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Đến nay, 100% các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 43/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2011 - 2021 tổng kinh phí để thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh là 58,4 nghìn tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách chỉ chiếm 20,1%, còn lại là nguồn vốn đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của doanh nghiệp.
Hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, ngày càng đồng bộ, khang trang. Tỷ lệ hộ sử dụng điện từ nguồn điện lưới quốc gia đạt 100%.
Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất. Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực, hiện toàn tỉnh đã có 234 sản phẩm OCOP được chứng nhận, dự kiến đến năm 2025 có thêm 250-300 sản phẩm được công nhận.
Các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai có hiệu quả và được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Năm 2022, thu nhập người dân nông thôn tăng 3,77 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 đạt 1,69% (năm 2010 là 12,2%).
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp. Đến nay 100% hộ dân được sử dụng nước nước sạch theo quy định; 99,6% hộ gia đình có nhà vệ sinh, nhà tắm đạt tiêu chuẩn; tỉ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99,8%. Tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đạt khoảng 85%...
Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, có 107 xã, chiếm 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 36 xã, chiếm 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thu nhập hình quân người dân nông thôn đạt từ 76-80 triệu đồng/người/năm.
Cùng với đó, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm sau khi rà soát 100% số xã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Đối với những xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu có đủ điều kiện nâng cấp lên đô thị, đồng thời nằm trong chương trình phát triển đô thị, tiếp tục triển khai, thực hiện xây dựng xã nông thôn mới gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.