Triển khai xây dựng nông thôn mới ở các địa phương miền núi đã khó, ở các xã biên giới lại càng khó khăn hơn. Nguyên nhân là diện tích các xã ở miền núi rộng, dân cư phân bố rải rác nên khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi. Ðịa hình đồi núi, độ dốc lớn, thiếu quỹ đất để xây dựng, mở rộng các trường học đạt chuẩn. Do cách xa các thị trường lớn, hạn chế trong bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nên sản xuất hàng hóa chưa phát triển, thu nhập người dân hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng đóng góp của người dân có hạn.
Xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là địa bàn biên giới với nhiều khó khăn. Đời sống người dân còn thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Nhờ thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo địa phương đã có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Năm 2023, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đưa Bảo Lâm đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Theo báo cáo của UBND xã Bảo Lâm, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp của các phòng, ban, ngành liên quan cùng quyết tâm cao của chính quyền địa phương và sự đồng tình, vào cuộc của người dân.
UBND huyện Cao Lộc cũng phát động phong trào cán bộ, công chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang xuống cơ sở hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các nội dung tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới năm 2023 cho xã Bảo Lâm với 80 người tham dự.
Ngoài ra, xã thành lập các tổ tự quản về môi trường, định kỳ ra quân tổng vệ sinh môi trường ít nhất 2 lần/tháng. Sự vào cuộc quyết liệt từ huyện đến cơ sở đã nâng cao nhận thức nhân dân, thay đổi hành vi, thói quen bảo vệ môi trường. Môi trường nông thôn không ngừng được cải thiện, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân. Chất thải rắn được thu gom, xử lý theo quy trình. Các hộ gia đình được hướng dẫn, tuyên truyền phân loại rác tại nguồn.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm bền vững được xã chú trọng. Các hộ dân được sử dụng điện, nước sạch hợp vệ sinh. Nhiều hộ dân được hướng dẫn xây dựng mô hình chăn nuôi, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: mở rộng diện tích trồng khoai tây, dưa hấu, chăm sóc vườn hồi...
Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đóng góp, tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng.
Hiện, công tác xây dựng nông thôi mới ở xã Bảo Lâm đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Xã đạt được 8/19 tiêu chí, gồm: Quy hoạch (đạt 2/2 chỉ tiêu); Thủy lợi và phòng, chống thiên tai (đạt 3/3 chỉ tiêu); Hệ thống điện (đạt 2/2 chỉ tiêu); Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (đạt); Lao động (đạt 2/2 chỉ tiêu); Giáo dục và đào tạo (đạt 2/2 chỉ tiêu); Văn hóa (đạt); Môi trường và an toàn thực phẩm (đạt 12/12 chỉ tiêu).
Các chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, sổ khám chữa bệnh điện tử của nhân dân được nâng lên. Có giải pháp hỗ trợ giảm tỷ lệ nhà tạm, nhà dột nát. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất mở rộng trục đường liên thôn, liên xã, trục đường thôn bản…
Cảnh quan môi trường được giữ gìn, bảo vệ. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã được đầu tư, sửa chữa. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được nâng cao…
Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã Bảo Lâm vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như sân thể thao, nhà văn hóa thôn, còn khó khăn trọng vận động người dân tham gia thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện…
Để hoàn thành việc đưa xã biên giới khó khăn Bảo Lâm hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, các đơn vị, phòng, ban chuyên môn huyện Cao Lộc tiếp tục tăng cường bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với UBND xã Bảo Lâm trong việc thực hiện chương trình.
Đối với các tiêu chí chưa đạt, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban và UBND xã Bảo Lâm rà soát các nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch cụ thể, thời gian hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Khi có khó khăn vướng mắc cần báo cáo các cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ các nội dung xây dựng nông thôn mới để người dân hiểu vai trò của mình trong việc thực hiện Chương trình với mục tiêu ‘‘Dân biết, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi". Qua đó, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn huyện.