Phát triển kinh tế du lịch kết hợp xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Năm 2022, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (gọi tắt là Chương trình OCOP) được triển khai sâu rộng trên khắp các địa phương trong toàn tỉnh đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân vùng nông thôn.
Đáng chú ý, Quảng Ninh đã có 32 trung tâm và điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, một hệ thống mà ít địa phương trên cả nước thực hiện được.
Để nâng cao doanh số bán hàng OCOP, nhiều điểm du lịch đã dành không gian đẹp nhất để giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Nhờ vậy, các đặc sản Nước mắm Cái Rồng, miến dong Bình Liêu, Gà Tiên Yên, chả mực Hạ Long... trở nên quen thuộc, dần khẳng định chỗ đứng trong lòng du khách.
Để phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị chuyên môn ứng dụng CNTT, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà nông xây dựng website giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh có 189 đơn vị, tổ chức kinh tế và có gần 500 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 71 sản phẩm hạng 4 sao và 3 sản phẩm hạng 5 sao; thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho 100% các sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP tiêu thụ ổn định không chỉ tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng, khách sạn, mà còn bán chạy tại các điểm dừng nghỉ du lịch, các hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP...
Thu nhập 56 triệu đồng/người, 52% xã đạt chuẩn NTM nâng cao
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2022, Quảng Ninh xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM.
Dưới sự hướng dẫn, vận động của Hội Nông dân các cấp, nhiều nông sản trong tỉnh Quảng Ninh như: Miến dong Bình Liêu, Gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, hải sản Vân Đồn, vải Phương Nam, ổi Hoành Bồ... đã hình thành các vùng sản xuất lớn, quy mô tập trung.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hình thành 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với gần 5.000 ha. Tiêu biểu: Vùng trồng lúa chất lượng cao ở TX Đông Triều; vùng trồng rau an toàn ở TX. Quảng Yên; vùng trồng hoa tại TP. Hạ Long; vùng chăn nuôi lợn Móng Cái; vùng nuôi tôm ở Đầm Hà, Móng Cái; vùng nuôi trồng nhuyễn thể ở Vân Đồn...
Từ phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, năm 2022 Quảng Ninh có thêm hàng nghìn nông hộ có thu nhập từ chục triệu đồng đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2022 đạt ≥ 56 triệu đồng/người. Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 0,11% (giảm 411 hộ).
Năm 2022, về cơ bản tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong đó TP. Hạ Long thành nhiệm vụ xây dựng NTM; các huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu đạt chuẩn NTM; các huyện Tiên Yên, Đầm Hà đạt chuẩn NTM nâng cao. Nâng tổng số các xã đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn là 51/98 xã, bằng 52% số xã.
Cùng với đó, các huyện Hải Hà, Cô Tô tiếp tục nâng chất tiêu chí đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021-2025. Các địa phương: Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên nâng chất tiêu chí đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Năm 2022 là năm quan trọng đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ từ "lượng" sang "chất" của chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Quảng Ninh nỗ lực lồng ghép nguồn lực thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; nâng cao chất lượng chương trình NTM bằng việc nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; tiếp tục xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. |
Công Duy