Kết quả tích cực sau hơn 2 năm triển khai

Đề cập về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Đoàn giám sát của Quốc hội nêu rõ, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, tình hình xây dựng nông thôn mới của cả nước đã bám sát mục tiêu, gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí; chất lượng và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn nông thôn mới còn hạn chế.

Chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân

Đề cập về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Chính phủ, Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, CTMTQG xây dựng nông thôn mới được Quốc hội thông qua Chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực.

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có rất nhiều biến động phức tạp, kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, tình hình xây dựng nông thôn mới của cả nước đã bám sát mục tiêu, gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quản nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững và đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng.

nongthonmoi.png
Vùng quê nông thôn mới

Tính đến 30/6, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Có 02 tiêu chí đã vượt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 ; 08 tiêu chí được đánh giá là gần đạt được mục tiêu.

Hệ thống văn bản thực hiện Chương trình từ Trung ương đến địa phương được ban hành tương đối đầy đủ, có đổi mới, cơ bản phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù, có cách làm hay, mô hình tốt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân như các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bến Tre chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng thí điểm mô hình “Xã Thông minh”.

Đoàn giám sát của Quốc hội đề xuất, kiến nghị

Để khắc phục khó khăn, vướng mắc nêu trên và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới, Đoàn giám sát của Quốc hội đề xuất, kiến nghị một số nội dung đối với Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Cụ thể:

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, phân công trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn cụ thể, rà soát các tiêu chí Nông thôn mới để điều chỉnh cho phù hợp vào cuối năm 2023, trong đó có tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kết luận 65 -/KL/TW của Bộ chính trị ngày 30/10/2019.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: (i) nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp trong các Bộ tiêu chí NTM để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp (hoàn thành trước 31/12/2023); (ii) nghiên cứu ban hành Bộ chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; (iii) xây dựng phần mềm quản lý Chương trình giai đoạn 2021-2025 theo hướng kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống giám sát, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoàn thành trong Quý I/2024).

Đối với Ủy ban Dân tộc: nghiên cứu, đề xuất quy định cụ thể lộ trình, thời gian tiếp tục hỗ trợ những đơn vị hành chính được sáp nhập; rà soát, đề xuất cơ chế phù hợp áp dụng các xã khu vực III sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 31/12/2023.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: (i) Tiếp tục theo dõi, tổng hợp những khó khăn vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện các CTMTQG, nhất là thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ- CP ngày 24/6/2023; (ii) sửa đổi, thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ; (iii) hoàn thành thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá các CTMTQG theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, hoàn thành trước 31/12/2023.

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV