Logistics là ngành có vai trò quan trọng, được xem là mạch máu của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 vừa qua dẫn đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng đã cho thấy tầm quan trọng của logistics với nền kinh tế. 

Theo ông Kurt Bình, CEO&Founder Công ty Smartlog, chi tiêu cho Logistics đang chiếm hàng chục tỷ USD và nằm ở nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, tính hiệu quả và công suất khai thác của ngành Logistics còn hạn chế. 

{keywords}
CEO Smartlog đề xuất xây dựng nền tảng số quốc gia cho ngành Logistics. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Ông Kurt Bình cho rằng, đặc thù của ngành Logistic Việt Nam hiện nay là phân mảnh, không có sự liên kết và rất lãng phí. Chẳng hạn, nhiều xe chạy trên đường nhưng không vận chuyển hàng hóa và khai thác tối đa dẫn đến hiệu suất không cao.

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi số dù đã tiến hành nhưng không đồng nhất, nằm rải rác ở nhiều nơi, dẫn tới tình trạng một doanh nghiệp, tài xế hoặc khách hàng dùng cả chục ứng dụng, vô hình chung khiến cho Logistics trở nên kém hiệu quả.

Ngoài ra, sự bùng nổ của thương mại điện tử dù đem lại thuận lợi nhưng cũng kéo theo hệ lụy khi lưu lượng xe vận chuyển càng nhiều gây ra các vấn đề tắc nghẽn, phát thải và phí tổn ngoại biên (tai nạn, quy hoạch hạ tầng), Nhà nước cần hỗ trợ nhằm giảm thiểu những tác động đó. Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này, ông Bình nhận định, dù đã có sự quan tâm của Chính phủ nhưng chúng ta cần có hành động mạnh mẽ hơn để xây dựng nền tảng số cho Logistics.

"Doanh nghiệp không tự giải quyết mà cần sự hỗ trợ của Nhà nước để giảm thiểu tác động đó và chuyển đổi số là một giải pháp, dựa trên dữ liệu. Cần có tầm nhìn mới về chuyển đổi số trong Logistics", ông Kurt Bình nói.

Theo đề xuất của CEO Smartlog, cần xây dựng tầm nhìn mới về nền tảng số quốc gia trong ngành Logistics với các tiêu chí: nhanh hơn, xanh hơn, tốt hơn và phải được hợp tác chia sẻ. Việc này khó nhưng với công nghệ, nền tảng, cơ chế hiện nay có thể giúp thực hiện thành công. "Chúng ta xây dựng một nền tảng số quốc gia gắn với nền tảng của doanh nghiệp giữa các doanh nghiệp. Chính phủ tạo nền tảng cho các bên kết nối và chia sẻ".

Ông Kurt Bình nhận định rằng sự phát triển của AI, Blockchain có thể giúp chúng ta kiểm soát dữ liệu an toàn hơn. Ở chiều ngược lại, khi hàng chục nghìn xe tải của doanh nghiệp di chuyển cũng có thể cung cấp trở lại nền tảng của chính phủ để đưa ra các bài toán hoạch định; giảm thiểu tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường tạo ra chi phí cạnh tranh hơn.

Nhưng hành động phải thực hiện ngay lúc này là phát triển dữ liệu số cho Logistics. Chẳng hạn, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu bản đồ của nước ngoài, trong khi các nền tảng này có thể chưa chính xác hoặc chậm cập nhật. Do đó, cần xây dựng nền tảng cho doanh nghiệp Logistics. Nhà nước nên tài trợ các sáng kiến cho ngành Logistics trên cơ sở số hóa và công nghệ hóa.

Theo CEO Smartlog, Chính phủ phải là yếu tố quan trọng trong cuộc chơi này, là người điều phối, phối hợp và chia sẻ nền tảng giữa các bên: "Chính phủ nên tạo ra nền tảng để các bên kết nối, chia sẻ ngược lại, ứng dụng AI, blockchain nhằm kiểm soát dữ liệu tốt hơn".

Duy Vũ

Nền tảng số Make in Vietnam tiết kiệm 70% thời gian quản trị ngân sách Nhà nước

Nền tảng số Make in Vietnam tiết kiệm 70% thời gian quản trị ngân sách Nhà nước

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Misa, sử dụng nền tảng số để quản trị ngân sách không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức mà còn tạo ra cơ sở dữ liệu tài chính cho các ngành, địa phương và góp phần chuyển đổi số quốc gia.