Cấp mã số vùng trồng rừng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, là bước đi có tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay nhằm minh bạch hóa thông tin về nơi trồng rừng, góp phần đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ, đặc biệt khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung sản xuất gỗ và chế biến lâm sản toàn cầu.
Tới nay, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với đà tăng trưởng hiện tại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý, ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.
Hoạt động cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu và số hóa vùng trồng rừng nguyên liệu, góp phần minh bạch nguồn gốc gỗ, đáp ứng yêu cầu của Liên minh châu Âu về giải trình gỗ hợp pháp, không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR).

Nhận thức vấn đề này, ngày 9/7/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2260 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu.
Theo đó, quá trình triển khai thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng được thực hiện trong thời gian 24 tháng trên địa bàn 5 tỉnh phía Bắc là Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.
Trải qua hơn 4 tháng thực hiện, đến nay đã xây dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu về vùng trồng rừng ở 5 tỉnh thí điểm và những mã số vùng trồng rừng đầu tiên đã được cấp.
Tổng diện tích rừng đăng ký cấp mã số vùng trồng là trên 16.000 ha; trong đó diện tích được xác minh và cấp mã số vùng trồng là 3.350 ha.