Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 chỉ rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại…; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp, nông dân với BĐKH từng vùng, miền”; “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”.
Điểm mới xuyên suốt trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp là nhấn mạnh yếu tố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao khả năng thích ứng của nông nghiệp với BĐKH.
Vì vậy, để đối phó với BĐKH, ngành nông nghiệp nước ta cũng đã và đang tích cực áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp. Những biện pháp đã được triển khai như: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với nước biển dâng và BĐKH, bao gồm: xây dựng giải pháp quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu ha diện tích đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất canh tác 2 vụ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm phát khí thải nhà kính qua kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng, 1 phải, 5 giảm” sử dụng tiết kiệm chi phí đầu vào; thúc đẩy quy trình VietGAP trong chăn nuôi; cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác thủy hải sản; đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu từ rừng; xây dựng các hệ thống chống ngập, nước biển dâng tại các thành phố lớn…
Trên tinh thần đấy, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế,” hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.”
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 2-3% tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất chăn nuôi trong nước. Ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42% diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu hecta…
Mới đây, phát biểu tại hội nghị Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) năm 2022 về xây dựng một nền nông nghiệp xanh và giá trị gia tăng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trong bối cảnh khí hậu đang thay đổi, thị trường, cách lựa chọn của người tiêu dùng cũng thay đổi. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp chắc chắn phải thay đổi để tạo ra các giá trị mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Bối cảnh mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp cần có trách nhiệm với người tiêu dùng, đảm bảo lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ, và bền vững của môi trường toàn cầu.
“Nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng và đồng thích ứng với biến đổi khí hậu,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Vốn đầu tư công cho nông, lâm, thủy sản, thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý bình quân hàng năm khoảng 11.000 tỷ đồng; trong đó chi phí cho các hoạt động giảm phát thải chỉ từ 3-5%, chủ yếu thuộc lĩnh vực lâm nghiệp và một số sự án ODA về trồng trọt, chăn nuôi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển một nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết. Chúng ta cần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tái cơ cấu ngành, chuyển đổi ngành nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững.”
Trước những thách thức toàn cầu mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt, hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cần phải phát triển và phổ biến các sáng kiến đổi mới để có thể nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm và giúp ứng phó.
Quốc Huy, Kiều Oanh, Huy Linh