Các xu thế công nghệ mới đang mang đến tiềm năng phát triển đột phá
Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006 vừa được Bộ TT&TT tổ chức hôm nay, ngày 23/11/2017. Hội nghị đã nghe các tham luận, ý kiến đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật CNTT và tác động của Luật CNTT với sự phát triển của ngành CNTT-TT nói riêng cũng như với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Tác động của Luật CNTT đã được nhìn nhận toàn diện dưới nhiều góc độ của các tổ chức xã hội khác nhau từ cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp, tập trung trong 2 lĩnh vực quan trọng là ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp CNTT.
Cùng với đó, trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra phiên tọa đàm ngắn, thẳng thắn về các vấn đề hiện đang được xã hội quan tâm trong ứng dụng và phát triển CNTT. Tại tọa đàm, các diễn giả là những nhà quản lý, chuyên gia trong ngành đã phân tích, gợi mở các biện pháp để tháo gỡ những khó khăn bất cập nảy sinh cũng như hướng đến các phương án giải quyết những thách thức đặc thù liên quan đến quá trình chuyển đổi số trong xu hướng công nghiệp 4.0 mà ngành CNTT-TT đang phải đối mặt.
Trong kết luận hội nghị, thay mặt Bộ TT&TT và cộng đồng CNTT-TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và cho biết tới đây Bộ TT&TT sẽ tập trung triển khai các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Theo nhận xét của Bộ trưởng, nội dung các bài tham luận, các ý kiến trao đổi, tọa đàm tại hội nghị đã giúp làm rõ thêm các kết quả, thành tựu cũng như hạn chế trong quá trình triển khai Luật CNTT thời gian qua. “Các vấn đề được đề cập trong phiên tọa đàm như kết nối liên thông để đảm bảo hiệu quả đầu tư của các hệ thống CNTT, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia như một thành phần nền tảng của hạ tầng thông tin, dữ liệu mở và quản lý dòng dữ liệu xuyên biên giới để sáng tạo đổi mới, phát triển nguồn nhân lực CNTT với kỹ năng phù hợp cũng là những vấn đề Bộ TT&TT đang rất quan tâm”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ TT&TT nhận thức sâu sắc được các yêu cầu cấp bách của việc đổi mới hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn tới phải gắn kết chặt chẽ với hoạt động ứng dụng CNTT. Bộ TT&TT cũng nhận thức được cơ hội to lớn của các xu thế công nghệ mới như Internet vạn vật, thành phố thông minh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho Việt Nam.
“Mặc dù còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục đánh giá, đặc biệt là tác động của quá trình chuyển đổi số với đời sống kinh tế xã hội nhưng chắc chắn các xu thế này sẽ mang đến những tiềm năng phát triển đột phá, cho chúng ta một cơ hội đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để nắm được cơ hội này, Bộ trưởng khẳng định, việc xây dựng, hoàn thiện một khung pháp lý về CNTT-TT hiện đại, thông thoáng, thuận lợi cho triển khai hiệu quả các hoạt động ứng dụng CNTT, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp CNTT, khuyến khích các mô hình đầu tư phù hợp để thu hút nguồn lực đa dạng của xã hội để phát triển các giải pháp sản phẩm số, các mô hình kinh doanh có tính đột phá.
Quản lý phải bắt kịp sự phát triển CNTT
Từ những vấn đề đặt ra tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006, Bộ trưởng đề nghị thời gian tới các đơn vị của Bộ TT&TT cần tiếp tục tập trung triển khai một số nội dung. Cụ thể, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, cần chủ động nghiên cứu về định hướng phát triển công nghệ để đưa ra các chính sách quản lý nhà nước phù hợp xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.
Bộ trưởng cho rằng: “Trong bối cảnh xu thế CNTT phát triển nhanh, đa dạng và phong phú, việc khai thác các xu thế công nghệ mới sẽ giúp chúng ta sẵn sàng đón đầu công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia khi hội nhập quốc tế. Quản lý phải bắt kịp sự phát triển của CNTT, quản lý phải tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho cộng đồng CNTT trong ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp CNTT’.
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị chuyên môn của Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan chủ động nghiên cứu tác động của các xu hướng công nghệ mới, xác định rõ tất cả các thách thức và tác động vào sự phát triển của ngành, đặc biệt là thách thức liên quan đến hạ tầng số, bảo đảm tính cạnh tranh cho các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ đột phá, thúc đẩy tính sáng tạo và nâng cao kỹ năng của nhân lực trong thời kỳ chuyển đổi số...
Bộ trưởng cho biết: “Bộ TT&TT cũng sẽ chủ động kết nối giao thương CNTT với các nước, đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông để kết nối các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này. Ngoài việc có hiệu quả đầu tư, thì chất lượng nhân sự được trải nghiệm ở môi trường làm việc nước ngoài sẽ mang lại cho chúng ta sự phát triển sâu hơn về chất”.
Bộ trưởng chỉ đạo, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CNTT-TT. Theo Bộ trưởng, để có thể tận dụng tốt cơ hội, nắm bắt được ưu điểm của các xu thế công nghệ mới để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CNTT-TT.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ, ngoài việc giải quyết các vấn đề bất cập trong các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong thời gian vừa qua, khung pháp lý về CNTT-TT phải thiết lập được một môi trường pháp lý lành mạnh, thuận lợi cho việc khai thác các lợi thế, xử lý các thách thức, hạn chế các ảnh hưởng không thuận lợi.
“Việc xây dựng khung pháp lý về CNTT-TT hiện đại cần có cách tiếp cận mang tính đột phá và tổng thể. Tính đột phá thể hiện qua việc linh hoạt, sáng tạo để tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề còn bất cập để có thể khai thác tốt nhất các lợi thế của Việt Nam trong các xu thế công nghệ mới. Tính tổng thể thể hiện ở việc xây dựng khung pháp lý CNTT-TT hiện đại là nhiệm vụ của không chỉ một cơ quan như Bộ TT&TT thông hay chỉ trong phạm vi của một văn bản quy phạm pháp luật mà cần sự liên kết và phối hợp đồng bộ trong cả một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ ngành liên quan, từ trung ương đến địa phương”, Bộ trưởng nói.
Trước mắt, việc hoàn thiện Luật CNTT tập trung vào 2 lĩnh vực là ứng dụng CNTT; phát triển công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT. Các đơn vị tham mưu của Bộ TT&TT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đặc biệt là các ý kiến của diễn giả, đại biểu, chuyên gia trong hội nghị này để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT, báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đề xuất bắt đầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ngay trong năm 2018.
Cho rằng công tác tuyên truyền vai trò của CNTT-TT trong 10 năm thi hành Luật CNTT chưa đạt được kết quả như mong muốn, Bộ trưởng cho biết, đối mặt với thời đại số, công tác tuyên truyền cần được cải tiến nâng cao hiệu quả và đa dạng hơn trong hình thức truyền tải.
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cần tham mưu tổ chức các hoạt động tuyên truyền dưới các hình thức sáng tạo để góp phần đưa xã hội nhận thức được thời cơ, cơ hội và thách thức phát triển đất nước từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số cũng như trách nhiệm của toàn xã hội trong việc nắm bắt cơ hội mà các xu thế này mang lại.
Nhấn mạnh nguồn nhân lực là yếu tố quyết định giúp Việt Nam nhanh chóng tận dụng và nắm bắt được cơ hội phát triển ngành CNTT trong xu thế mới, Bộ trưởng chỉ đạo cần tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực.
Bộ trưởng đề nghị các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp CNTT và các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu phối hợp với Bộ TT&TT tập trung hơn nữa, đề xuất phương thức mới phát triển nguồn nhân lực với các kỹ năng và tư duy sáng tạo linh hoạt phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số, tăng nhanh tỉ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
“Kỹ năng số cần là kỹ năng cơ bản cho mọi nguồn nhân lực trong thời gian tới. Một nguồn lực các Nhà khởi nghiệp đông đảo đã và đang phát triển mạnh mẽ với nhiều kỳ vọng cũng sẽ là mục tiêu được ưu tiên trong công tác đầu tư. Tôi tin các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT thời gian tới sẽ có phát triển vượt bậc về chất và lượng cả ở trong và ngoài nước”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng, với sự quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia hợp tác tích cực của cộng đồng CNTT, hành lang pháp lý về CNTT sẽ sớm được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng hiện đại, góp phần thúc đẩy ngành CNTT Việt Nam phát triển đột phá thời gian tới, đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.