Phấn đấu xây dựng thành Khu du lịch Quốc gia 

Khu du lịch hồ Hòa Bình là Khu du lịch cấp Quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa các dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình với các loại hình du lịch đa dạng. Đây là vùng sinh thái đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp Quốc gia, liên vùng (Thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình, cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước…). 

Bến đò bản Hà (Đà Bắc). Ảnh: Thu Hoài Christie.

Không gian phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình được hình thành trên cơ sở các không gian cảnh quan đồi núi, hệ sinh thái tự nhiên, các giá trị văn hóa, tâm linh gắn liền với vùng lòng hồ Hòa Bình.

Đề án chia thành 06 phân khu: Khu vực cửa ngõ gắn với hệ thống cảng Bích Hạ, Ba Cấp; Khu phát triển du lịch tập trung Hiền Lương – Thanh Bình, Vầy Nưa (huyện Đà Bắc); Khu phát triển du lịch sinh thái, tự nhiên hoang dã phía Bắc hệ sinh thái hồ Hòa Bình; Phân khu du lịch vịnh Ngòi Hoa – Thung Nai – Suối Hoa (huyện Cao Phong và Tân Lạc); Phân khu dịch vụ du lịch tại xã Phúc Sạn (huyện Mai Châu); Phân khu du lịch thiên nhiên hoang dã sinh thái tự nhiên gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (huyện Đà Bắc).

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 22/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch Quốc gia, hoạt động du lịch trên Khu du lịch hồ Hòa Bình có nhiều khởi sắc và đạt được 3/5 tiêu chí quan trọng để từng bước đạt được các điều kiện của Khu du lịch Quốc gia.

Việc nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển du lịch. Một số điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hấp dẫn đang hoạt động đón tiếp nhiều du khách và tiếp tục thu hút một số tập đoàn có thương hiệu đến đầu tư những dự án du lịch có quy mô lớn, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao để đưa vào khai thác phục vụ du khách trong thời gian tới.

Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nâng cấp tuyến đường lên Cảng Ba Cấp chiều dài 2,5 km, hoàn thành dự án nâng cấp tuyến đường tỉnh 435 đi qua các xã Bình Thanh và Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc. Xây dựng đường giao thông trục chính của đảo Sung, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc chiều dài 2,25 km với tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng. Đầu tư hỗ trợ thực hiện cải tạo sân phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại Xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc. Cải tạo tuyến đường lên Điểm du lịch cộng đồng xóm Ngòi và đường vào tham quan di tích Quốc gia động Hoa Tiên tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc…

Đến thời điểm hiện tại, Khu du lịch hồ Hòa Bình đã có 107 cơ sở lưu trú, bao gồm 14 khách sạn từ 1 đến 3 sao, 32 nhà nghỉ, 61 nhà nghỉ cộng đồng với 1.383 buồng phòng; thu hút 1.200 lao động (trong đó bao gồm 700 lao động trực tiếp và khoảng 500 lao động gián tiếp). 

Để phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình, thời gian qua tỉnh đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng và hình thành các khu, điểm du lịch sinh thái như: Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort, đảo Dừa; xây dựng các điểm du lịch cộng đồng xóm Ké, Đá Bia, Ngòi Hoa, Mó Hém, Bích Trụ... Xây dựng khu công viên nước tại xóm Ngòi, xã Suối Hoa với trên 130 trò chơi có các các loại xuồng, mô tô nước, thuyền cao tốc... 

Cùng với đó, đã xây dựng tuyến du lịch đường thủy di chuyển bằng tàu trên sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Mở tuyến du lịch đi bộ, đạp xe dọc hai bờ sông Đà thuộc huyện Tân Lạc, Mai Châu và Đà Bắc trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình. Xây dựng chương trình nghỉ dưỡng cuối tuần trên Khu du lịch hồ Hòa Bình; Chương trình trải nghiệm trên hồ Hòa Bình cùng tham gia các hoạt động và sinh hoạt cùng với người dân; Chương trình du lịch tâm linh thăm di tích Đền Thác Bờ; Chương trình du lịch kết nối với các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh và tuyến Tây Bắc kết hợp thủy bộ. Triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình Liên kết phát triển du lịch với Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc...

Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Khu du lịch hồ Hòa Bình chỉ đón được khoảng 150.000 lượt khách/năm; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2019 trước khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Khu du lịch Hồ Hòa Bình đã đón 550.000 lượt khách, chiếm khoảng 17,7% tổng số khách toàn tỉnh (trong đó có 26.000 lượt khách quốc tế), tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 160 tỷ đồng. Ước năm 2022 sẽ đón khoảng 400.000 lượt khách. Trong những năm tới, dự báo khu du lịch sẽ đón trên 500.000 lượt khách/năm, đáp ứng được tiêu chí số khách đến của Khu du lịch Quốc gia.

Theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì đến thời điểm hiện tại, khu du lịch mới đạt 3/5 điều kiện. Đó là 3 điều kiện về: Có ít nhất 02 tài nguyên du lịch; Có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển Khu du lịch Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông Quốc gia.

Giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 14-NQ/TU đã đề ra. Lập các quy hoạch phân khu chức năng trên Khu du lịch hồ Hòa Bình để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Huy động nguồn lực từ các cấp, các ngành đầu tư xây dựng quản lý khu du lịch theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn cho khu du lịch. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để Khu du lịch hồ Hòa Bình đạt các tiêu chí Khu du lịch Quốc gia vào năm 2025.

Ưu tiên và lồng ghép nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư. Đẩy mạnh công tác thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch đạt chuẩn từ 3 sao trở lên với các dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao, đảm bảo đến 2025 có đủ số lượng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 sao theo quy định để đủ điều kiện quy định về Khu du lịch Quốc gia.

Tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư du lịch; hỗ trợ công tác giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án...

Điểm nhấn du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

Bên cạnh huy động tối đa nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, hoàn thành mục tiêu xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch cấp Quốc gia, tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân và cộng đồng trong việc gìn giữ phong tục tập quán truyền thống, bảo vệ tài nguyên môi trường và hỗ trợ người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt là hoạt động du lịch cộng đồng để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Người dân bán đồ thổ cẩm ở bản Lác, Mai Châu. 

Hòa Bình chủ trương phát triển du lịch trên Khu du Lịch hồ Hoà Bình gắn với bảo đảm việc làm, sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, tập trung thu hút phát triển du lịch và bố trí nguồn vốn xây dựng hạ tầng cơ sở cho các địa phương trong không gian phát triển khu du lịch thuộc huyện Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và TP Hoà Bình để sớm đưa nơi đây trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh và trở thành Khu du lịch Quốc gia trong thời gian tới.

Việc phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình đã giúp một bộ phận không nhỏ người dân xung quanh khu vực lòng hồ có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, giảm bớt phụ thuộc vào hoạt động nông, lâm nghiệp thuần túy. Đa dạng hóa các loại hình du lịch gắn với tiềm năng lòng hồ, nhất là du lịch cộng đồng đã trực tiếp góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Đồng thời cũng giúp bà con thấy được ý nghĩa của việc gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống. Qua đó, tạo thêm động lực cho các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Các xã trong không gian phát triển du lịch vùng hồ có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như người Mường, Dao, Thái, các giá trị văn hóa, nghề truyền thống độc đáo vẫn được bảo tồn và gìn giữ như: dệt thủ công, thêu thùa thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn...  Ngoài ra, ẩm thực đặc trưng của người bản xứ nơi đây tạo được nét riêng biệt với các sản phẩm như rượu gạo, rượu ngô, rượu chuối, gà nuôi thả tự nhiên, gà đen, lợn bản địa, măng rừng, mật ong, hoa trái bốn mùa...

Từ những điều kiện thuận lợi, địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài nước tới trải nghiệm. Tại Thung Nai, Bình Thanh (Cao Phong), Tiền Phong, Cao Sơn (Đà Bắc)… nhiều hộ gia đình đã tìm hiểu, học hỏi cách phát triển du lịch tại nhà (homestay) khá hiệu quả.

Theo Kế hoạch của tỉnh, đến năm 2025,  Khu du lịch hồ Hoà Bình sẽ đạt được các tiêu chí của Khu du lịch Quốc gia. Đến năm 2030, du lịch Hòa Bình sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, điểm đến hấp dẫn trong khu vực Tây Bắc, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế. Hòa Bình mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục phối hợp, liên doanh, hợp tác để khai thác tiềm năng của các địa phương trong Khu du lịch hồ Hoà Bình để phát triển du lịch. 

Bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan tỉnh nhà. Đối với Hòa Bình, di sản văn hóa, thiên nhiên là yếu tố quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng. Các địa phương khai thác để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Văn hóa truyền thống cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới.

Bạch Hân, Phạm Hải, Duy Khánh, Thu Hoài