Chi hội An toàn thông tin phía Nam sáng 23/10 tổ chức sự kiện trực tuyến về an toàn thông tin phía Nam năm 2021. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh vai trò của an toàn thông tin trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời nêu rõ mọi tổ chức và cá nhân đều có vai bảo đảm an toàn mạng Internet nước nhà.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng. (Ảnh: Hải Đăng) |
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, đại dịch Covid-19 vừa qua đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam nhưng nhờ ý chí, hành động và tinh thần đoàn kết, Việt Nam đã tạm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Về vấn đề an toàn thông tin, Thứ trưởng khẳng định lại quan điểm các sự cố sẽ luôn xảy ra song cách thức vượt qua sự cố thế nào mới là quan trọng.
“Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, an toàn, an ninh mạng, cách ứng xử tốt nhất để vượt qua những mất mát bởi Covid-19 là đẩy nhanh và toàn diện quá trình phát triển công nghệ, chuyển đổi số quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu ý kiến.
Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Sắp tới là Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số và Chiến lược An toàn không gian mạng quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, Việt Nam cần có một nền tảng an toàn không gian mạng đủ mạnh, sẵn sàng ứng phó trước mọi thách thức. An toàn không gian mạng sẽ là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số.
Nhằm bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia, Việt Nam sẽ phát huy sức mạnh của toàn thể xã hội, với quan điểm xuyên suốt An toàn không gian mạng cho tất cả - Cybersecurity for All, không ai bị bỏ lại phía sau. Mọi tổ chức, cá nhân đều có vai trò và trách nhiệm bảo đảm an toàn môi trường sống mới - môi trường mạng. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò điều phối, gắn kết, chia sẻ thông tin.
Thời gian qua, Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trên bảng xếp hạng quốc tế. Theo Báo cáo Chỉ số an toàn không gian mạng toàn cầu (GCI) năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 25 trong 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với đánh giá công bố năm 2018, xếp thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từ kết quả nói trên, Thứ trưởng nhận định, Việt Nam bước đầu có một nền móng tốt về an toàn không gian mạng nhưng vẫn còn những hạn chế cần được giải quyết. Việt Nam sẽ tập trung phát triển 3 mục tiêu chính: Bảo đảm không gian mạng quốc gia an toàn, kiên cường và vững chắc; Tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường không gian mạng Việt Nam văn minh, lành mạnh; Tự chủ công nghệ và phát triển, làm chủ thị trường an toàn thông tin.
Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức chiến dịch phổ cập dịch vụ an toàn thông tin cơ bản cho người dân. Và hôm nay Bộ TT&TT đã khai trương ứng dụng An toàn không gian mạng trên nền tảng di động cho người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao vai trò của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Chi hội An toàn thông tin khu vực phía Nam và các doanh nghiệp an toàn thông tin trong việc đồng hành với Bộ TT&TT trong chiến dịch nói trên.
Song song đó, Thứ trưởng hoan nghênh nỗ lực đồng hành của Hiệp hội, Chi hội và các doanh nghiệp an toàn thông tin đối với quốc gia trong quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, Bộ TT&TT cam kết sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Ở góc độ địa phương, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đánh giá cao sự góp sức của Hiệp hội, Chi hội và các doanh nghiệp an toàn thông tin trong việc bảo đảm an toàn không gian mạng cho thành phố. Năm nay số lượng đơn vị tham gia khảo sát của Chi hội an toàn thông tin phía Nam tăng lên, chứng tỏ hoạt động công nghệ thông tin và an toàn thông tin tại thành phố đã có chất lượng hơn.
Trong và sau đại dịch, người dân TP.HCM và cả nước phải quen với học tập và làm việc từ xa, ngày càng có nhiều hoạt động phụ thuộc vào công nghệ. Ông Thắng đánh giá việc này là đáng mừng nhưng cũng là thách thức lớn đối với an toàn thông tin. Do vậy, thành phố và cả nước phải làm quen với hoàn cảnh chưa bao giờ có: vừa thích nghi với đại dịch vừa phát triển kinh tế. Ngành An toàn thông tin cũng phải đặt trong bối cảnh đó để phát triển bền vững đảm bảo cả hai yêu cầu.
Ông Lâm Đình Thắng mong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ cùng nâng cao nhận thức cho người dân, tham gia diễn tập an toàn thông tin. Đặc biệt, giúp thành phố chuẩn bị chính sách và các điều kiện cụ thể để phát triển kinh tế và phục hồi sau đại dịch.
Hải Đăng
Bộ TT&TT thành lập Ban điều hành Đề án phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin
Ban điều hành triển khai Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025 vừa được thành lập với 23 thành viên. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng là Trưởng ban của Ban điều hành này.