Thường Xuân là huyện miền núi biên giới, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước.
Đối với huyện miền núi nghèo như Thường Xuân, bắt tay vào thực hiện một chương trình MTQG lớn như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) không hề dễ dàng, phải đối mặt với nhiều thách thức.
Huyện có địa bàn rộng, sông suối chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, thiên tai thường xảy ra làm hư hỏng các công trình đầu tư; trình độ phát triển kinh tế- xã hội giữa các vùng không đồng đều, nhất là trình độ, kỹ năng lao động, sự cần cù, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh của người dân còn hạn chế.
Tuy nhiên xác định việc triển khai hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt Chương trình MTQG 1719) là động lực, là cơ hội để các bản làng thay đổi diện mạo, để đồng bào DTTS an cư, vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống... nên cả hệ thống chính trị đã cùng nỗ lực vượt khó, triển khai.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG 1719 bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn huyện năm 2021 đạt 39 triệu đồng, năm 2023 dự kiến đạt 43 triệu đồng (2020 là 35 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều và chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025 tiếp tục giảm (năm 2021 là 25,35%; năm 2022 là 21,36%, giảm 4,1%).
Sau khi UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025, huyện Thường Xuân có 02 xã, với 121 hộ cần được bố trí tái định cư, trong đó: Tái định cư tập trung 53 hộ tại 01 điểm; Tái định cư liền kề 33 hộ tại 3 điểm; Tái định cư xen ghép 35 hộ tại 10 điểm. Đối với việc tái định cư tập trung tại Khu tập trung Băng Lươm, xã Yên Nhân, hiện địa phương đang triển khai các bước thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Thực hiện Dự án 1 về: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Theo rà soát, số hộ thiếu nhà ở trên địa bàn huyện 490 hộ; số hộ chưa có đất ở 765 hộ; số hộ chưa có đất, thiếu đất sản xuất 1007 hộ; số hộ có khó khăn về nước sinh hoạt là 1138 hộ.
Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 2 công trình nước sạch tập trung (thôn Xương, xã Xuân Thắng và thôn Ngọc Trà, xã Luận Khê), với kinh phí 3 tỷ 998 triệu đồng; hỗ trợ 331 hộ nước sinh hoạt phân tán, với kinh phí 993 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất- chuyển đổi nghề đang chờ hướng dẫn của cấp trên.
Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.
Năm 2023, huyện Thường Xuân đã đầu tư hơn 18 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, ưu tiên đối với các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn xây dựng 8 công trình trị giá hơn 16 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy kinh doanh, khởi nghiệp về thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng được chính quyền địa phương quan tâm.
Xác định chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, UBND huyện Thường Xuân, các ban, ngành và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục tăng cường xây dựng kế hoạch chi tiết để chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu, đối tượng.