Mới đây, khi chia sẻ về truy xuất nguồn gốc tôm hùm, ông Trịnh Quang Tú - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Quy hoạch và Phát triển thủy sản (Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản - Bộ NN-PTNT) cho biết, trong đề án về phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm, Bộ NN-PTNT đã giao Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản xây dựng hai mô hình liên kết nuôi và tiêu thụ tôm hùm theo chuỗi giá trị.

Tại Phú Yên, đơn vị này đã xây dựng chuỗi liên kết tôm hùm xanh giữa hợp tác xã nuôi trồng với các doanh nghiệp cung ứng con giống và xuất khẩu. Hiện nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được xây dựng xong, tôm hùm được thí điểm gắn tem truy xuất.

Cũng theo ông Tú, hệ thống truy xuất nguồn gốc này sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình xuất khẩu. Bởi, mọi thông tin đã được cập nhật và minh bạch trên hệ thống nên không cần phải làm quá nhiều thủ tục như: xác nhận, chứng nhận, chứng minh nguồn gốc tôm hùm nuôi.

Bên cạnh đó, tem truy xuất nguồn gốc gắn trên tôm hùm còn giúp người tiêu dùng xác định được thông tin nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng.

W-tom hum.png
Hệ thống truy xuất nguồn gốc tôm hùm sẽ được nhân rộng ra các vùng nuôi ở nước ta. 

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nghề nuôi tôm hùm nước ta phát triển mạnh từ năm 2000 đến nay. Đây là sản phẩm thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.

Trong năm 2024, lượng lồng nuôi tôm hùm thương phẩm đã tăng lên con số hơn 280.000 lồng, sản lượng đạt trên 5.800 tấn tôm hùm các loại. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm hùm ước đạt 430 triệu USD, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Về tổng thể, ngành hàng tôm hùm đã phát triển ở quy mô sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, Cục Thuỷ sản thừa nhận quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, bao gồm cả các cơ sở nuôi cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất (con giống, thức ăn, xuất khẩu) và tiêu thụ. Thế nên, vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng gặp không ít khó khăn và thách thức.

Đáng chú ý, tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các loại tôm hùm xuất khẩu chính của nước ta. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98-99% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này.

Thế nhưng, để tôm hùm có thể đi vào thị trường Trung Quốc, các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư...

Thậm chí, vào tháng 5/2023, Trung Quốc còn sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó tôm hùm bông tự nhiên nằm trong danh mục cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc chỉ đạo hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

Đối với cách xác định tôm hùm nuôi, không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên. Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Cùng với đó, Việt Nam chưa tạo được nguồn giống tôm hùm nói chung, tôm hùm bông nói riêng từ sinh sản mà hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Đây cũng là vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. 

Thế nên, việc thí điểm xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, gắn tem cho con tôm hùm sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm.

Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), sau nhiều nỗ lực thì việc tổ chức sản xuất, liên kết truy xuất nguồn gốc tôm hùm đã thu được những kết quả đáng kể.

Cục Thủy sản cùng với các đơn vị tư vấn đã nghiên cứu ra biện pháp để gắn mã cho tôm hùm. Từ đó, thuận lợi truy xuất từ các cơ sở nuôi đến các hợp tác xã, cơ sở thu gom, sơ chế phục vụ cho công tác xuất khẩu.

Thời gian tới, Cục Thuỷ sản sẽ bàn giao hệ thống truy xuất nguồn gốc này cho các hợp tác xã, địa phương để ứng dụng vào thực tiễn nuôi trồng.

Cục trưởng Trần Đình Luân cũng mong rằng các cơ sở và doanh nghiệp sẽ làm ăn một cách bài bản, áp dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc một cách minh bạch nhất để chuỗi ngành hàng phát triển theo hướng bền vững, tiến tới xây dựng thương hiệu tôm hùm Việt Nam.