Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng thuộc Bộ KH&CN là được giao xây dựng, vận hành và quản lý Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (Ảnh minh họa: Internet). |
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” hướng tới mục tiêu hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Đề án cũng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
Về mục tiêu cụ thể, Thủ tướng Chính phủ xác định rõ, giai đoạn đến năm 2020, cùng với việc soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; sẽ xây dựng, ban hành tối thiểu 5 tiêu chuẩn quốc gia, 1 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng; triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Với giai đoạn đến năm 2025, Đề án đặt mục tiêu sẽ hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể;
Cũng trong giai đoạn đến 2025, mục tiêu Đề án đặt ra còn là tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế; hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, theo Đề án, có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai thời gian tới, bao gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước; Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc; Thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Cũng theo Đề án, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia bao gồm hệ thống phần cứng, phần mềm để phục vụ cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở kết nối thông tin với hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các hệ thống quốc tế được công nhận.
Các bộ, cơ quan sẽ tự xây dựng và quản lý hệ thống truy xuất, nguồn gốc trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.