Đây là quan điểm về xây dựng tổ chức kiên cường của Thượng tướng, TS. Lê Hữu Đức, nguyên UVTW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội - một trong những ngân hàng kiên cường vượt qua giai đoạn khó khăn và tăng trưởng liên tục suốt 28 năm qua.
- Xin ông chia sẻ những suy nghĩ về sức kiên cường và tại sao lại quan trọng?
Sức kiên cường là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sức khỏe hay hoạt động của các tổ chức.
Đó là khả năng thích ứng dài hạn của một cá nhân hay tổ chức với những diễn biến đến từ môi trường hoạt động. Đó là sức mạnh chống lại những cú sốc, tận dụng cơ hội để tiếp tục vươn lên. Sức kiên cường là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển lâu dài, bền vững và toàn diện của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
Có thể hiểu sức kiên cường là khả năng tái tạo lại các mô hình và chiến lược kinh doanh khi hoàn cảnh thay đổi và không chỉ để ứng phó với những cuộc khủng hoảng xảy một lần, hay là phục hồi sau thất bại mà là việc liên tục dự đoán và điều chỉnh, thích ứng với những xu hướng mới.
Với các doanh nghiệp, sức kiên cường là sự cân bằng giữa sáu khía cạnh bao gồm: Tài chính, hoạt động, công nghệ, tổ chức, danh tiếng và mô hình kinh doanh.
- Vậy thưa ông, sức kiên cường hiện nay có khác gì so với sức kiên cường trước đây và làm thế nào để xây dựng?
Trước đây, các doanh nghiệp thường xem xét sức kiên cường trên quan điểm rủi ro. Do đó, các giải pháp thường mang tính phòng thủ, tập trung vào việc xây dựng các bộ đệm phòng thủ. Cách tiếp cận này thường có xu hướng tạo ra hạn chế hơn là hỗ trợ tăng trưởng.
Cách tiếp cận mới về sức kiên cường vượt ra khỏi quan điểm phòng thủ và tập trung vào xây dựng một hệ thống linh hoạt, giúp tổ chức đó định hướng và thích ứng nhanh hơn với những thay đổi và những gián đoạn của môi trường xung quanh.
Theo tôi, sức kiên cường của một tổ chức có thể được xây dựng thông qua ba khâu. Trước tiên phải có sự Chuẩn bị cho nhiều kịch bản, tình huống khác nhau. Tiếp đến là khâu Nhận diện, tức là phải nhanh chóng nhận diện được mức độ và tác động của sự gián đoạn, để từ đó xác định phương thức phản ứng phù hợp. Và cuối cùng là Triển khai, thúc đẩy. Ở khâu này, các tổ chức phải nhanh chóng thực hiện các giải pháp theo kịch bản, phản ứng nhanh, hiệu quả trước những gián đoạn, từ đó chuyển hướng để thoát khỏi sự gián đoạn, đồng thời tận dụng những cơ hội vươn lên nhanh hơn so với các tổ chức khác.
- Ông vừa nhắc đến tầm quan trọng của khâu chuẩn bị và triển khai, xin ông chia sẻ thêm những việc MB đã thực hiện?
Thứ nhất, chúng tôi đã chuẩn bị xây dựng hệ sinh thái tài chính, doanh nghiệp số, bao gồm 6 công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ, tài chính tiêu dùng, thẩm định giá và quản lý khai thác tài sản từ rất sớm.
Thứ hai, chúng tôi tập trung phát triển Ngân hàng số mạnh mẽ. MB đã xây dựng thành công 2 nền tảng App MBBank và BIZ MBBank thu hút khách hàng vượt trội trên thị trường, quy mô khách hàng sử dụng kênh số đạt 20 triệu khách hàng, tỷ lệ giao dịch kênh số đạt trên 93%, tương đương với tỷ lệ giao dịch số của các ngân hàng top đầu châu Á.
Như tôi đã nêu trên, chúng tôi nhanh chóng thực hiện việc này do MB có sự chuẩn bị từ trước và ý thức rõ các cơ hội mà thị trường mang lại trong bối cảnh khó khăn. Vì dịch Covid-19 đã đẩy nhanh nhiều xu hướng mới như thanh toán điện tử, mua sắm online,… và đặc biệt đã định hình lại các dòng tài chính, thương mại và đầu tư và thói quen tiêu dùng, giao dịch của người dân.
Thứ ba, chúng tôi tập trung nâng cao quan hệ khách hàng. Chất lượng quan hệ khách hàng đã được thể hiện qua kết quả về khả năng tạo lợi nhuận và năng suất RM. Lợi nhuận của MB đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2016, hiệu suất bán hàng của RM tăng 2,5 lần cho phân khúc KHCN, 1,6 lần cho phân khúc SME và 3,8 lần cho phân phúc CIB. MB cũng đã đổi mới thành công hình ảnh thương hiệu MB, trở thành một ngân hàng năng động, thu hút khách hàng trẻ tuổi. Mức độ hài lòng của khách hàng luôn đạt trên 80%.
Thứ tư, chúng tôi luôn hoạt động trên tinh thần thượng tôn pháp luật và liên tục củng cố, nâng chuẩn công tác quản trị rủi ro. Chúng tôi thường xuyên cập nhật và ứng dụng các công cụ và mô hình quản trị rủi ro tiên tiến và tăng cường ứng dụng các mô hình đo lường, lượng hóa các rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ, quản trị tốt rủi ro công nghệ thông tin và các loại rủi ro trong môi trường mới, trong môi trường số. Nhờ đó, suốt 5 năm qua chúng tôi luôn quản lý tín dụng hiệu quả với tỷ lệ nợ xấu thấp quanh ngưỡng 1% với một tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao >100%, có những thời điểm cao >300%.
- Ông có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và kinh doanh, vậy xin hỏi ông sức kiên cường trong từng bối cảnh có khác nhau không?
Tất nhiên là trong từng tình huống, bối cảnh cụ thể, sức kiên cường sẽ có những sắc thái khác nhau nhưng bản chất là giống nhau và tựu chung lại là phải luôn giữ vững ý chí, tinh thần, không khuất phục trước khó khăn, nguy hiểm, chiếm lĩnh được thế chủ động lợi thế và giành thắng lợi. Sức kiên cường của dân tộc ta đã được thể hiện rất rõ trong lịch sử oai hùng dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, còn với MB thì sức kiên cường có thể thấy qua rất nhiều khía cạnh từ sự phát triển bền vững, tăng trưởng liên tục xuyên suốt lịch sử phát triển của ngân hàng, đến việc triển khai các giai đoạn chiến lược, chọn lọc và tập trung những chuyển dịch quan trọng như chuyển dịch bán lẻ, chuyển dịch số và xây dựng mô hình tập đoàn, đồng thời luôn chú trọng công tác quản trị rủi ro, đảm bảo chất lượng tài sản và hiệu quả kinh doanh cao,...
- Nhân dịp năm mới, xin ông chia về tầm nhìn 5 năm tới của MB?
Theo đó, MB tiếp tục chuyển đổi số toàn diện hoạt động kinh doanh ngân hàng, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đột phá năng suất lao động. Đẩy mạnh đầu tư cho chuyển dịch số, năng lực hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tập đoàn. Ứng dụng công nghệ để tăng cường tự động hóa các quy trình lõi như tín dụng, thanh toán quốc tế,... Tăng trưởng thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng trên các nền tảng ngân hàng số.
Tiếp tục phát triển và kiện toàn 2 nền tảng số App MBBank và BIZ MBBank để dẫn đầu thị trường. Đồng thời, tổ chức, quản lý và khai thác dữ liệu tập đoàn, cải tiến chất lượng và đổi mới quản trị dữ liệu, đảm bảo hạ tầng hiện hữu đáp ứng nhu cầu phân tích dữ liệu của tập đoàn.
Và như chúng ta thường nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi với bạn”. Do đó trong giai đoạn tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái của riêng tập đoàn; đồng thời lựa chọn và tham gia các hệ sinh thái cùng các đối tác khác như thương mại điện tử, viễn thông/thanh toán, y tế, giáo dục, hay nhà ở,…
Song hành cùng hoạt động kinh doanh, chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn hoạt động quản trị tập đoàn để tạo sức mạnh cộng hưởng, hợp lực tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu, tối ưu hiệu quả chi phí bằng cách quản lý tập trung các chức năng cốt lõi, phát triển những dịch vụ dùng chung cho các công ty trong tập đoàn.
- Vậy ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về mục tiêu bằng con số?
Với mục tiêu chiến lược rõ ràng, với những sáng kiến mới, cách làm mới, cùng với sức kiên cường nội tại, MB hoàn toàn tự tin hướng đến đạt khoảng 120.000 tỷ doanh thu, 45.000 tỷ lợi nhuận, tức là gấp từ 2,5 - 3 lần so với năm 2021 và phấn đấu đạt 30 triệu khách hàng vào năm 2026.
- Cuối cùng ông còn điều gì chia sẻ với độc giả?
Như tôi đã nói ở trên, sức kiên cường không chỉ quan trọng với các tổ chức mà còn quan trọng với tất cả các cá thể trên hành tinh chúng ta. Kinh nghiệm của tôi cho thấy thời bình cũng như thời chiến, sức kiên cường là nền tảng giúp ta vượt qua mọi khó khăn thách thức để phát triển bền vững.
Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc các độc giả sức khỏe, kiên cường vượt qua mọi khó khăn và tận dụng tốt các cơ hội. Chúc cho Việt Nam của chúng ta kiên cường trên con đường đã chọn và ngày càng trở lên hùng cường và thịnh vượng.
- Xin cảm ơn ông!
Thu Loan (Thực hiện)