Đô thị thông minh, người dân được gì?

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 26/11, TP.HCM đã tổ chức hội nghị công bố Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025”. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay, đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đã được chuẩn bị hơn một năm, trước mắt sẽ được triển khai thí điểm tại các quận 1 và quận 12.

Đề án hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân, như việc sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt, học sinh học trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng…

Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh, thông tin giao thông hướng người đi tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc…

Đối với lĩnh vực y tế, với bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ, cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng, người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm…

Hay như lĩnh vực an toàn thực phẩm, người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó đánh giá được các nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trước khi lựa chọn sử dụng.

Đáng chú ý, chính quyền điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cho phép người dân và các tổ chức dễ dàng tiếp cận thông tin của chính quyền, dễ dàng thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4…

Chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải thông minh

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nguyên tắc của đô thị thông minh là phải có tính dự báo, phải tạo điều kiện cho con người sống ở hai không gian (không gian thực và không gian trên mạng), phải giúp cho mỗi người dân, mỗi cơ quan tổ chức là một chủ thể sáng tạo và đóng góp cho hoạt động của chính quyền…

Theo Bí thư Thành ủy, nói đến đô thị thông minh là nói đến tư duy. Do đó, muốn xây dựng một đô thị thông minh thì chính quyền, doanh nghiệp và người dân cũng phải thông minh.

Đi vào nội dung cụ thể, Bí thư Thành ủy yêu cầu đề án phải có giải pháp dùng chung, phải xây dựng trung tâm dự báo cấp thành phố nhằm dự báo chung về tăng trưởng kinh tế, dân số, lao động, môi trường…

Ngay trong năm 2018 phải triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu tích hợp, trung tâm mô phỏng dự báo, trung tâm về an toàn mạng và điều hành, quy hoạch hạ tầng chung…

Đồng thời nhanh chóng triển khai, đưa vào ứng dụng giao thông thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh…

Về phía chính quyền TP.HCM, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là thành phố phải nằm trong nhóm 10 thành phố sáng tạo toàn cầu.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM là động lực trực tiếp, còn xây dựng thành phố thông minh sẽ là đòn bẩy đưa thành phố tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống chủ yếu dựa vào vốn và lao động.

Ngay sau hội nghị, Đề án sẽ được cụ thể hóa thành kế hoạch từng năm để tổ chức thực hiện. Trong đó, sẽ có giải pháp để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia thực hiện, cùng với đó đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của đề án.