Hôm nay (27/12), hơn 40.000 đại biểu tại 855 điểm cầu trên toàn quốc đã tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức.
Tham dự có các Ủy viên Ban Chấp hành Tổng liên đoàn lao động, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tổng liên đoàn lao động; đại diện liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn; các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn.
Tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã trình bày chuyên đề "Một số nội dung lớn trong Nghị quyết Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam".
Theo đó, ông Ngọ Duy Hiểu đã thông tin kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 (2018 - 2023), trong đó nhấn mạnh nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức so với dự báo, song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam đề ra.
Các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Vai trò của công đoàn trong việc tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định. Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động ngày càng thiết thực, hiệu quả được lan tỏa mạnh mẽ.
Quy mô tổ chức được mở rộng, đã chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, được đoàn viên, người lao động, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận.
Theo ông Hiểu, nghị quyết Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam đặt ra mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.
Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.
Bên cạnh các chỉ tiêu hàng năm, Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức công đoàn cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại Tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu.
Nghị quyết cũng đặt ra 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; xây dựng đội ngũ Chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.