Chiều ngày 12/5, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng,  Trưởng Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban điều hành.

Một trong những nội dung chính đã được các thành viên Ban điều hành tập trung trao đổi, thảo luận là công tác triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương.

Trong Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử ban hành ngày 14/10/2015, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của đơn vị mình, với mục tiêu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung  ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3; tích cực triển khai để cung cấp dịch vụ công mức độ 4.

Còn tại Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt ngày 26/10/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành danh mục 135 nhóm dịch vụ công trực tuyến được ưu tiên cung cấp mức độ 4 tại các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, tại báo cáo quý I/2016 về tình hình triển khai Nghị quyết 36a, Văn phòng Chính phủ nhận định, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn dừng ở mức lập phương án triển khai. Nhiều cơ quan cho biết còn vướng mắc, khó khăn trong một số khâu: hệ thống hóa các hồ sơ; quy trình xử lý thủ tục hành chính (do giấy tờ thủ tục nhiều, không có mẫu biểu điện tử); số lượng dịch vụ công nhiều trong khi kinh phí triển khai hạn hẹp; thiếu hướng dẫn trong việc thuê dịch vụ CNTT để cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Về vấn đề này, tại phiên họp lần 1 của Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), cơ quan thường trực của Ban điều hành cũng đã chỉ rõ một số hạn chế trong triển khai dịch vụ công trực tuyến như: đa số dịch vụ công trực tuyến được triển khai độc lập, chưa được kết nối, tích hợp; nhiều cơ quan nhà nước chưa thực sự quan tâm tới việc đưa vào sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3, 4) được sử dụng hiệu quả còn hạn chế, nhiều dịch vụ chưa có người sử dụng, chưa có hồ sơ hoặc có rất ít hồ sơ được xử lý (trừ một số dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả cao như thuế thu nhập cá nhân, nộp thuế điện tử, đăng ký doanh nghiệp quốc gia…).

Để triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, Cục Tin học hóa đã đề xuất Ban điều hành kiến nghị Chính phủ hoặc các cơ quan có thẩm quyền bố trí đủ kinh phí cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trước mắt tập trung cho các dịch vụ công trực tuyến được ưu tiên triển khai theo Nghị quyết 36a và Quyết định 1819.

Cùng với đề xuất tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về Chính phủ điện tử tới từng người dân, doanh nghiệp, cơ quan thường trực Ban điều hành cũng đề xuất việc chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá website và dịch vụ công trực tuyến hàng năm.

Đặc biệt, Cục Tin học hóa cũng đề xuất việc áp dụng công cụ để thống kê việc truy cập và khai thác thông tin trên từng hạng mục thông tin, dịch vụ trực tuyến nhằm hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả của website, dịch vụ trực tuyến của từng cơ quan nhà nước; sự quan tâm của người dân với từng chuyên mục thông tin, từng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước.

Để xuất nêu trên nhận được sự đồng thuận của các thành viên Ban điều hành. Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng nêu ý kiến, liệu có thể đánh giá được mức độ phổ biến cũng như tần suất sử dụng của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ công trực tuyến bằng cách nghiên cứu, phát triển một bộ đếm nào đó và tích hợp vào website cung cấp dịch vụ công theo cơ chế tự động.

Theo ông Dũng, việc này cũng tương tự như hiện nay các website thương mại điện tử đang thực hiện đếm từng loại dịch vụ/sản phẩm, từng mặt hàng được bao nhiêu click, bao nhiêu khách hàng sử dụng. “Như vậy, chúng ta sẽ có một công cụ tương đối thuyết phục, rõ ràng để đo được tần suất sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên các website của các bộ, ngành, địa phương cũng như trên Cổng dịch vụ công quốc giasau này”, ông Dũng chia sẻ.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị Cục Tin học hóa rà soát, thống kê đầy đủ số lượng các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; trong đó có phân loại rõ các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 đến đâu, tập trung ở những nhóm dịch vụ công nào. Đặc biệt, từ các phiên họp sau của Ban điều hành, Thứ trưởng chỉ đạo cần có báo cáo cụ thể liên quan đến các dịch vụ công trực tuyến được ưu tiên thực hiện theo Quyết định 1819 và Nghị quyết 36a.

Thứ trưởng cũng cho rằng, để thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang/ cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, cần tiến hành quản lý bằng 3 phương thức: bằng báo cáo của các bộ, ngành địa phương; bằng việc kiểm tra trực tiếp; và thứ ba là cần phải xây dựng một công cụ để đo lường, đánh giá mức độ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến một cách online, tự động.

“Đề nghị Cục Tin học hóa hoàn chỉnh phương án, cân nhắc tất cả các yếu tố. Sau khi hoàn chỉnh, chúng ta sẽ có văn bản gửi cho các bộ, ngành, địa phương để yêu cầu triển khai lắp đặt, giám sát. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ để các cơ quan đơn vị nhận thức được việc lắp đặt công cụ, thiết bị sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của các dịch vụ cũng như không ảnh hưởng đến vấn đề an toàn, an ninh của hệ thống”, Thứ trưởng lưu ý.