|
Nhiều dữ liệu bản đồ địa chính “lạc hậu” do đất đai là lĩnh vực có biến động nhanh chóng. Ảnh: H.P |
“Rối” từ cấp địa phương đến Trung ương
Theo ông Dũng, hiện nay các dữ liệu đăng ký chi tiết như thửa đất, chủ sử dụng đất chưa được tổ chức quản lý tương xứng với giá trị và tầm quan trọng. Dữ liệu còn nằm phân tán tại nhiều đơn vị, chưa được tập trung quản lý để phục vụ các mục đích sử dụng, tránh sự trùng lặp trong các hoạt động điều tra, khảo sát, đo đạc, đăng ký, quy hoạch…, tạo nguồn thông tin tin cậy cho hoạt động quản lý và ra quyết định của cấp quản lý.
Đáng chú ý, hiện nay Nhà nước cũng chưa có quy chế về quản lý các kết quả, sản phẩm điều tra khảo sát, nghiên cứu về đất đai nói trên nên việc khai thác sử dụng các tư liệu này rất khó khăn, nhiều khi bị ngăn trở bởi những “quan hệ phức tạp” giữa các đơn vị có thông tin dữ liệu với đơn vị, người cần khai thác thông tin dữ liệu.
Cùng đó, đến nay các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đất đai, số liệu kiểm kê đất đai qua các thời kỳ, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp toàn quốc, vùng kinh tế và cấp tỉnh đã được hình thành thông qua các dự án, đặc biệt là qua các kỳ kiểm kê đất đai được tiến hành 5 năm một lần; thế nhưng các cơ sở dữ liệu này còn nằm phân tán tại nhiều đơn vị khác nhau, chưa được đưa vào quản lý trong một hệ thống thống nhất. Ngoài ra, các thông tin báo cáo từ địa phương về cấp Trung ương lại chủ yếu thông qua con đường công văn nên mất rất nhiều thời gian cho cán bộ chuyên môn làm tổng hợp, dẫn đến một số trường hợp còn chưa thực sự chính xác về số liệu.
Trong khi đó tại các địa phương, ông Dũng cho rằng công tác xây dựng bản đồ địa chính dù đã có quy trình, quy phạm chặt chẽ và hiện đại (với việc ứng dụng công nghệ số) nhưng do một số địa phương chưa đầu tư cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ngay sau khi xây dựng bản đồ địa chính, nên đã dẫn đến việc nhiều dữ liệu bản đồ địa chính còn chưa được cập nhật phù hợp với thực tế, dẫn tới câu chuyện lạc hậu về dữ liệu do có biến động nhanh chóng. Thậm chí, có nhiều bản đồ không còn nhiều giá trị sử dụng.
Hiện nay phần lớn các tỉnh, thành phố còn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đất đai, thế nên các dữ liệu đăng ký hầu hết còn ở dạng giấy, chưa được chuyển đổi sang dạng số. Trong khi đó, số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải sử dụng phương pháp trích đo chiếm tỷ lệ lớn, thế nên việc quản lý dữ liệu còn manh mún, phân tán, mỗi khi có yêu cầu báo cáo tổng hợp lại mất rất nhiều thời gian, dữ liệu còn thiếu chính xác.
Đáng chú ý, hiện nay nhiều địa phương đã bắt tay ứng dụng CNTT vào việc xây dựng hồ sơ địa chính, tuy nhiên lại mới dừng lại ở mức độ thông tin đăng ký, việc cập nhật biến động đất đai còn chưa được chú trọng đúng mức. Chính vì vậy, hệ thống phần mềm, dữ liệu trong thực tế lại chủ yếu phục vụ việc in ấn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các loại sổ sách trong hồ sơ địa chính, chứ chưa phải là các hệ thống thông tin quản lý đa mục tiêu.
|
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã được triển khai khá hiệu quả tại quận Ngô Quyền - Hải Phòng. |
Cần bắt buộc xây dựng cơ sở dữ liệu
Ông Trần Kiêm Dũng nhận định, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về đất đai tại Việt Nam hiện là vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân như vấn đề về chính sách còn đang được hoàn thiện, mô hình phân cấp quản lý với khối lượng dữ liệu lớn và biến động cao, kinh phí đầu tư cho hệ thống rất lớn từ khâu đo vẽ bản đồ địa chính, xây dựng hồ sơ địa chính và chỉnh lý biến động đất đai…
Trong thời gian qua, thông qua các dự án có nguồn vốn nước ngoài như VLAP (Tổng cục địa chính), SEMLA (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đầu tư cho việc xây dựng mô hình, giải pháp kỹ thuật cho cơ sở dữ liệu đất đai. Một số mô hình đã đạt được các kết quả đáng kể như Hải Phòng (quận Ngô Quyền), Bình Thuận (thành phố Phan Thiết), Thái Nguyên (thành phố Thái Nguyên)… do đã thiết lập cơ bản các cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh từ khâu đo đạc bản đồ địa chính, cập nhật thông tin đăng ký, mô hình một cửa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, có thể nói tính đến thời điểm hiện nay trong nước vẫn chưa có một tỉnh thành trực thuộc Trung ương nào có cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh, được cập nhật chỉnh lý biến động thường xuyên trên nền tảng công nghệ thống nhất.
Chính vì vậy, ông Trần Kiêm Dũng cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các Bộ liên quan để xây dựng chính sách về quản lý đất đai theo hướng chú trọng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các cấp. Trong đó, mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và mẫu hồ sơ địa chính cần hướng tới việc thuận tiện cho các giao dịch điện tử trong tương lai; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phải được coi là công tác bắt buộc tại các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, để hướng tới mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất điện tử từ năm 2015. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng hệ thống thông tin báo cáo về tình hình sử dụng đất đai điện tử trên mạng Internet cho tất cả các cấp để hoàn chỉnh trong năm 2013…
Bài viết đã đăng trên báo Bưu Điện Việt