Hình thành CSDL phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản kết nối với trung tâm dữ liệu tập trung là một trong những mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch số 2158/KH-UBND thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, các thông tin, dữ liệu về tình hình thị trường nông sản trong tỉnh, trong nước, thế giới được thu thập thường xuyên phục vụ phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hình thành CSDL các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn và bộ công cụ, phần mềm phục vụ thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản. Thiết lập được hệ thống mạng lưới cung cấp thông tin cung cầu nông sản của tỉnh, kết nối với trung tâm dữ liệu tập trung của ngành; 100% cán bộ thuộc hệ thống mạng lưới cung cấp thông tin về thị trương nông sản được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của Kế hoạch.
Đến năm 2030, Quảng Bình đặt mục tiêu ứng dụng hiệu quả công nghệ của cuộc CMCN 4.0 (dữ liệu lớn, AI, Internet vạn vật (IoT)…) trong thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản trong và ngoài nước. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có thể tìm kiếm, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản (trừ dữ liệu mật) trên môi trường mạng Internet hoặc Cổng cung cấp dữ liệu mở của quốc gia, của các Bộ (Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…) và của tỉnh.
Hoàn thiện hệ thống mạng lưới cung cấp thông tin cung cầu nông sản; thu hút được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống thu thập thông tin, phân tích, dự báo thị trường nông sản. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng CNTT, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo thị trường nông sản.
Để thực hiện mục tiêu, Quảng Bình đưa ra ba nhiệm vụ và giải pháp. Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện hạ tầng CNTT các cơ quan liên quan đáp ứng yêu cầu thực hiện kế hoạch. Tiếp theo, ứng dụng CNTT trong thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị truonwgf nông sản. Cuối cùng, hợp tác, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản.
UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, hỗ trợ kết nối, chia sẻ dữ liệu phân tích, dự báo thị trường nông sản với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đảm bảo sử dụng thống nhất, hiệu quả, an toàn thông tin. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ 4.0 phục vụ thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản.
Cục Thống kê tỉnh được giao nhiệm vụ kết nối CSDL đa ngành (tài chính, công thương, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư…) để có dự báo chính xác, tin cậy. Đồng thời, chủ động ứng dụng CNTT trong điều tra, thu thập thông tin: tăng cường bảng hỏi điện tử (web-form), phiếu điện tử (CAPI)…; ứng dụng công nghệ số trong kết nối và chia sẻ thông tin.
Các hội ngành hàng và doanh nghiệp phối hợp, chia sẻ thông tin liên quan của thành viên hiệp hội, doanh nghiệp để tích hợp với cơ sở dữ liệu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả, hợp pháp các thông tin phân tích, dự báo thị trường phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, hoàn thiện hạ tầng CNTT của các cơ quan liên quan, các địa phương đáp ứng yêu cầu thực hiện Kế hoạch. Cùng với đó, xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thị trường nông sản tại địa phương, cung cấp, kết nối thông tin về trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh.