Có thể nói, sau hơn 30 năm đổi mới, thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách cụ thể, trọng điểm là các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS, bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh... Việc triển khai, thực hiện các chính sách đó đã thu được những kết quả đáng kể.

Hơn 10 năm qua, Quốc hội đã thông qua 62 luật/196 điều, điều chỉnh các nội dung liên quan đến lĩnh vực DTTS và miền núi và đầu tư cho vùng KT-XH đặc biệt khó khăn. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 phê duyệt đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

Các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, nhất là địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn, đạt được kết quả rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Mặc dù đất nước còn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương; các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và nguồn ngân sách đầu tư công đã tập trung xây dựng hàng vạn công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… ở vùng DTTS và miền núi.

Nhờ đó bộ mặt nông thôn miền núi đã có bước phát triển mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng đồng bộ hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Đến nay 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện lỵ được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm huyện, trong đó trên 95% số km được cứng hóa; 100% xã, 97,2% thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 65,8% xã, 76,7% thôn có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng.

{keywords}
 Ảnh minh họa

Thực hiện hiệu quả Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo; đến nay, 95% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; xây dựng được hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc đa dạng của người dân. Các ấn phẩm báo chí phong phú, đa dạng; có gần 100 tờ báo viết, 200 trang thông tin điện tử cùng với hàng triệu tờ báo, tạp chí của 18 ấn phẩm báo chí; trong đó có Chuyên đề DTTS và miền núi của báo Tin tức (TTXVN) cấp không thu tiền ở vùng DTTS và miền núi đã góp phần chuyển tải chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được kết quả đáng khích lệ về cả quy mô, mạng lưới và chất lượng. Hiện nay có 5.766 trường mầm non và 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Các tỉnh vùng DTTS và miền núi đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở…

Năm 2019, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 96,9%; cấp trung học cơ sở là 81,6%; cấp trung học phổ thông là 47%. Đã triển khai dạy và học 6 thứ tiếng DTTS (Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê) cho gần 185.000 học sinh phổ thông của 21 tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra còn có 6 thứ tiếng DTTS khác (Hoa, Thái, Cơ Tu, Tà Ôi, PaKo, MNông) đang được dạy thực nghiệm tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước với hàng trăm lớp và hàng chục nghìn học sinh. 

Bên cạnh đó, việc dạy học tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS được các địa phương đẩy mạnh. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm, trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30.000 người từ 15-60 tuổi tham gia các lớp học xóa mù chữ.

Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%. Bước đầu đã thu hẹp một bước địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn; giai đoạn 2015 - 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu tích cực như vậy, song trong bối cảnh đất nước còn phải đối mặt nhiều khó khăn, khiến cho kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Việc nhận diện những thách thức này để có các phương thức xử lý phù hợp là rất cần thiết, để thúc đẩy hơn nữa các quyền của đồng bào vùng DTTS và cũng nhằm triển khai thành công hơn nữa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Còn nhiều rào cản trong tiếp cận các quyền

Trước tiên cần kể đến những thách thức về quyền có việc làm và bảo đảm các điều kiện tối thiểu.

Đồng bào các DTTS phần lớn sống tại các vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn với kết cấu hạ tầng còn yếu kém, sản xuất chưa phát triển nên khả năng tiếp cận và hưởng thụ các điều kiện cơ bản, các điều kiện bảo đảm về lương thực, nhu cầu mặc và chỗ ở an toàn vẫn còn là thách thức đối với một số vùng, nhóm dân cư sinh sống tại các khu vực có môi trường tự nhiên không thuận lợi.

Chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực hạn chế và có khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của xã hội; lao động trong độ tuổi qua đào tạo thấp; vẫn còn tình trạng một bộ phận dân cư mù chữ hoặc tái mù chữ, cộng với trình độ văn hóa thấp đã hạn chế khả năng tiếp cận và thụ hưởng các thành quả phát triển gắn với các tiêu chí về các quyền cơ bản.

Vì thế khả năng tự bảo vệ các quyền cơ bản, quyền công dân của cá nhân được pháp luật thừa nhận cũng hạn chế. Hệ thống chính trị cơ sở và năng lực đội ngũ cán bộ còn yếu kém, nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết… tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng kích động, gây chia rẽ trong một số DTTS.

{keywords}
Ảnh minh họa 

Thứ 2 là thách thức về quyền tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe.

Mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào các DTTS vẫn còn có khoảng cách đáng kể với người Kinh. Chất lượng nguồn nhân lực đồng bào DTTS còn hạn chế, đội ngũ cán bộ DTTS thiếu và một số yếu về trình độ chuyên môn.

Công tác quản lý giáo dục dân tộc chưa theo kịp thực tiễn phát triển giáo dục ở vùng DTTS, miền núi; công tác chỉ đạo còn thiếu linh hoạt và mang nặng tính chất thủ tục hành chính; công tác tham mưu ban hành một số chính sách cụ thể chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Tại các trường chuyên biệt vùng DTTS vẫn còn thiếu nhiều phòng học, thiếu nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh và các điều kiện sinh hoạt, học tập khác. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý còn thiếu về số lượng, năng lực, một bộ phận giáo viên có đời sống khó khăn nên chưa yên tâm công tác.

Về quyền tiếp cận y tế và chăm sóc sức khỏe, do điều kiện phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng, miền nên đang gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà đồng bào DTTS có nhu cầu rất lớn. Công tác phòng chống dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu bởi nhận thức của đồng bào còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu.

Do thiếu thông tin về chính sách BHYT nên tần suất khám chữa bệnh BHYT của đồng bào thấp, kết dư quỹ BHYT lớn trong khi người dân lại chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật trong chăm sóc sức khỏe cơ bản. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số dân tộc còn diễn ra, đòi hỏi phải có giải pháp can thiệp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng dân số ở khu vực dân tộc ít người (dưới 1 vạn người).

Thứ 3 là thách thức về quyền tham gia quản lý nhà nước, xã hội và tiếp cận thông tin.

Đối với quyền tham gia quản lý nhà nước, xã hội, hiện tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong hệ thống chính trị còn rất thấp so với người Kinh tại đa số các tỉnh. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê và UBDT, tỷ lệ cán bộ là người DTTS trong UBND tỉnh, huyện mới đạt khoảng 11,32%.

Năng lực, trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ thôn, bản, phun, sóc ở mức thấp. Nguồn nhân lực vùng DTTS có trình độ đại học và trên đại học mới đạt 2,8%, riêng người DTTS chiếm khoảng 1,1%, thấp hơn 4 lần so với toàn quốc.

Về tiếp cận thông tin: Đối với chương trình cấp phát báo miễn phí, nghiên cứu cho thấy chính sách phát miễn phí báo, tạp chí, tờ gấp pháp luật hiện không mang tính thiết thực và lãng phí. Một nguyên nhân lớn là đa số người DTTS trong độ tuổi lao động, trung niên, trung niên và người già không đọc được chữ, kể cả chữ của dân tộc mình.

Các chương trình tiếng dân tộc còn thiếu tính chuyên biệt, các chương trình phát thanh tiếng dân tộc nhìn chung còn đơn điệu; một chương trình chỉ có thời lượng 30 – 45 phút và mỗi ngày chỉ có một chương trình nên kết cấu của 12 chương trình của 12 tiếng dân tộc trên Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) tương đối giống nhau, ít cải biến từ nhiều năm nay.

Thứ 4 là thách thức về quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, ngôn ngữ truyền thống. Bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi tốt đẹp của các DTTS chưa làm được nhịp cầu vững chắc, kết nối gắn bó chặt chẽ giữa các dân tộc; ở nhiều vùng văn hóa chưa thể hiện vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển. Văn hóa truyền thống của một số DTTS bị mai một, mất dần bản sắc, ngôn ngữ.

Đồng thời với quá trình đó lại du nhập các tệ nạn xã hội mới như: tiêm chích ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV tăng nhanh; tội phạm trộm cắp, cướp giật, đánh bạc, bắt cóc phụ nữ, trẻ em,… diễn biến phức tạp. Từ đó làm biến động phong tục, tập quán, đạo đức, lối sống và đang tác động tiêu cực đến đời sống xã hội vùng DTTS cũng như quyền của người DTTS.

Cần có cơ quan chuyên trách giám sát

Ở đây bài viết không đi sâu vào những giải pháp cụ thể mà chủ yếu đề cập đến những giải pháp mang tính tổng thể và nền tảng. Theo đó, để xử lý những thách thức không nhỏ đã đề cập, chúng ta cần triển khai hiệu quả một số giải pháp.

Một là, công nhận về mặt pháp lý (thể chế). Quyền của các DTTS phải được thừa nhận, ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ trong Hiến pháp và các luật có liên quan (trường hợp có luật về dân tộc luôn được khuyến khích). Các quy định phải đảm bảo sự tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Tiêu chuẩn và nguyên tắc về quyền của các DTTS phải được cụ thể hóa phù hợp với các điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Hai là xây dựng thiết chế. Xây dựng cơ quan chuyên trách giám sát bảo đảm quyền của các DTTS. Tiêu chí này phù hợp với Điều 2 Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, cho phép các quốc gia áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo đảm cho các nhóm DTTS được hưởng đầy đủ, bình đẳng các quyền con người và tự do cơ bản. Thực tiễn cũng cho thấy, thiếu một cơ quan chuyên trách giám sát sẽ làm giảm hiệu quả bảo đảm quyền của các DTTS.

Ba là xây dựng chiến lược lồng ghép, tích hợp quyền của DTTS. Quyền của các DTTS phải được lồng ghép vào hoạt động của các cơ quan công quyền, các tổ chức xã hội, giáo dục, báo chí, truyền thông và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Tiêu chí này nhằm đáp ứng mục đích: phát triển, quản lý xã hội phải phù hợp với yêu cầu bảo đảm quyền của các DTTS đã được quy định tại Điều 2 Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965.

Bốn là, triển khai các hoạt động nghiên cứu về bảo đảm quyền của các DTTS. Các cơ quan có thẩm quyền trong nước cần tạo cơ hội và điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu này (và các nghiên cứu khác có liên quan) để thúc đẩy nâng cao hiểu biết về bảo đảm quyền của các DTTS trong xã hội. 

Năm là xây dựng hệ thống thông tin toàn diện về các DTTS. Một mặt không thể xây dựng pháp luật, chính sách phù hợp, có chất lượng nếu không có cơ chế, biện pháp thu thập dữ liệu, thông tin khách quan về tình hình mọi mặt của các DTTS. Mặt khác kết quả bảo đảm thực tế các quyền cũng phải được phản ánh qua hệ thống thông tin như vậy. Hệ thống này thường bao gồm các đánh giá của các nhóm DTTS, đánh giá của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế. 

Ngọc Châu