Đã gần một tháng kể từ Nghị định số 15 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật ATTP thay thế cho Nghị định 38 trước đây thi hành. Trong Nghị định mới có nội dung quy định từ ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPBVSK phải đạt tiêu chuẩn GMP, với các điều kiện tiệm cận điều kiện sản xuất thuốc. Đây được coi là công cụ để ngăn chặn các thực phẩm kém chất lượng lọt ra thị trường.
GMP (Good Manufacturing Practices) với những tiêu chuẩn và quy trình được ban hành kỹ càng, là một công cụ hiệu quả để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), có khả năng ngăn ngừa một cách chủ động nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người sử dụng. GMP đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ đầu tư về tài chính, về con người, đầu tư về công nghệ mà còn buộc họ phải đầu tư kỹ hơn về nguyên liệu, nhà xưởng… hay nói chính xác hơn là từ những nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm cuối cùng.
Bên trong một nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ |
Chuẩn GMP đối với TPBVSK được xem là công cụ để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất TPBVSK không đủ điều kiện; giảm thiểu hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng; xây dựng ngành Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ ở Việt Nam thành một ngành kinh tế – y tế, phát triển bền vững, lành mạnh vì sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế, những cơ sở muốn đạt GMP phải đầu tư rất lớn từ cơ sở vật chất, nhà xưởng, hệ thống thông khí đến hệ thống bảo vệ phải cách biệt với môi trường ô nhiễm; người chủ doanh nghiệp hoặc cán bộ phụ trách sản xuất đạt GMP tối thiểu phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất phải đáp ứng các quy định chặt chẽ về hệ thống hồ sơ sổ sách, nhất là kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, đạt yêu cầu về hệ thống kiểm nghiệm. Nếu không áp dụng đúng theo các tiêu chuẩn GMP thì ước tính số lượng cơ sở đủ điều kiện chỉ vào khoảng vài trăm trên tổng số 4.000 cơ sở trong cả nước.
Tiêu chuẩn GMP được áp dụng trên toàn quốc rất nghiêm ngặt |
Trong Luật TPCN và Giáo dục DSHEA 1994 của Mỹ , một trong những ông lớn trong ngành TPCN, nhấn mạnh rằng TPCN phải tuân thủ GMP hiện tại. Luật TPCN của Hàn Quốc cũng quy định: thiết lập tiêu chuẩn GMP và áp dụng cho sản xuất TPBVSK.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu cải tiến chất lượng của sản phẩm TPBVSK |
Các nước khác như Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Malaysia, khối EU ... đều quy định áp dụng bắt buộc GMP cho sản xuất TPBVSK, và TPBVSK muốn nhập khẩu phải có chứng nhận GMP. Điều đó chứng tỏ tuân thủ GMP là yêu cầu của toàn thế giới. Vì thế, việc cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đáp ứng chuẩn GMP cũng là điều kiện tiên quyết về mặt pháp lý để doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Thúy Ngà