CPDT.jpg
Chính phủ điện tử là một chính phủ biết sử dụng hiệu quả công cụ CNTT-TT để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại Hội thảo “Ứng dụng CNTT trong xây dựng Chính phủ điện tử” do Bộ TT&TT phối hợp với Indra (tập đoàn CNTT hàng đầu Tây Ban Nha, đã có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ các chính phủ hiện đại hóa hệ thống hành chính công) tổ chức ngày 6/6/2012 ở Hà Nội, từ các thuyết trình của các chuyên gia Tây Ban Nha và Bộ TT&TT Việt Nam, có thể thấy không chỉ riêng Việt Nam vấp phải những thách thức trong quá trình xây dựng CPĐT như sự bất hợp tác, liên hợp giữa các khu vực hành chính công; sự thiếu hiểu biết của công dân về CPĐT và sự thiếu tin tưởng của người dân vào quá trình hiện đại hóa Chính phủ; thiếu các quy định pháp luật mới về CPĐT…

Vấn đề là cùng chung thách thức song đã có nhiều quốc gia triển khai thành công mô hình CPĐT. Điểm chung của các mô hình thành công này là công dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập 1 cổng thông tin duy nhất để tiến hành các dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan Chính phủ cung cấp; và các cơ quan Nhà nước đều trao đổi kết nối với nhau qua hệ thống CNTT để cung cấp các dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân.

Soi vào hiện trạng Việt Nam, ý tưởng thành lập một cổng thông tin riêng chuyên cung cấp tất cả các dịch vụ công của cơ quan Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp đã từng được nhắc tới cách đây ít lâu song đến giờ vẫn chưa thấy có động tĩnh gì về dự án triển khai cụ thể.

Về vấn đề kết nối, hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước trong triển khai CPĐT, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Trưởng Phòng Hệ thống thông tin, Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) cho biết: Hiện CNTT đã được các Bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam ứng dụng và phát triển rộng rãi, thậm chí đã có tới 88,5% cán bộ thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ được trang bị máy tính, 88,37% máy tính của các đối tượng này đã kết nối Internet, tuy nhiên phần lớn các hệ thống CNTT đều chỉ phục vụ mục tiêu cục bộ. Các cơ quan Nhà nước đều đã triển khai chương trình hệ thống quản lý văn bản điều hành nội bộ, song các chương trình không có sự kết nối, liên thông với nhau. Vì vậy, những tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước vẫn được thực hiện qua con đường truyền thống là qua bưu điện, kéo dài thời gian, tăng chi phí vận chuyển và không đảm bảo an toàn cho các tài liệu.

Các đại biểu tham gia Hội thảo đều chung nhận định rằng con đường xây dựng CPĐT của Việt Nam gập ghềnh hơn nhiều quốc gia khác, đặc biệt là khi cả nước có tới 87 triệu dân (khó đảm bảo thông suốt đường truyền cho hệ thống ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công khi người dân đồng loạt truy cập một cổng thông tin điện tử), bộ máy hành chính quốc gia phân chia thành 4 cấp gồm Trung ương – tỉnh/thành phố - quận/huyện – xã/phường (trong khi các quốc gia khác thường chỉ phân thành 2 cấp Trung ương – địa phương), mỗi cơ quan, đơn vị lại đang triển khai hệ thống CNTT riêng rẽ và vẫn còn tình trạng muốn cát cứ thông tin…

Ghi nhận thiện chí của Bộ TT&TT Việt Nam trong việc tích cực hợp tác quốc tế để tích lũy kinh nghiệm đẩy nhanh tiến trình xây dựng CPĐT, các chuyên gia Tây Ban Nha đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, đáng chú ý nhất là cần sớm có khuôn khổ tương tác quốc gia, gồm các tiêu chuẩn, khuyến nghị về chuẩn hóa thông tin, định dạng thông tin… khi áp dụng công nghệ mới để đảm bảo tính tương tác cho các hệ thống CNTT của các cơ quan Nhà nước; phải quyết liệt, quyết tâm cao, có thể học Tây Ban Nha ban hành quy định nêu rõ một khi đã có văn bản điện tử thì hủy văn bản giấy, không lưu trữ văn bản giấy nữa, bắt buộc phải lưu trữ điện tử.

Bộ TT&TT đã đề xuất Chính phủ về việc xây dựng một Hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ; tập trung kết nối các hệ thống văn bản điện tử các Bộ, ngành, địa phương thông qua các bộ chuyển đổi dữ liệu e-Doc Adapter.

Hệ thống tích hợp này đảm bảo các yêu cầu như: có khả năng tương tác liên thông với các hệ thống đang tồn tại tại các cơ quan Nhà nước; phát triển trên nền tảng web; hỗ trợ việc quản lý vận hành linh hoạt; hỗ trợ sao lưu dữ liệu, phòng chống tấn công, virus, đảm bảo quyền riêng tư của các cơ quan Nhà nước khi sử dụng Hệ thống; đảm bảo ký số, mã hóa dữ liệu trên đường truyền.

Nếu thành công, Hệ thống sẽ giảm thời gian xử lý văn bản trong nội bộ cơ quan Nhà nước; giảm thời gian trao đổi luân chuyển văn bản giữa các cơ quan Nhà nước từ trung bình 2,5 ngày xuống còn 30 giây; mỗi năm có thể giảm hàng triệu USD chi phí vận chuyển công văn giấy tờ qua đường bưu điện; góp phần hiện thực hóa ý tưởng lưu trữ điện tử.

Hệ thống này được đánh giá là một trong những điều kiện cần có để xây dựng, vận hành CPĐT.