Mới đây, tại buổi tọa đàm “Định hướng triển khai Luật An toàn thông tin và công tác đảm bảo an toàn thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử” do Trung tâm ứng cứu ứng máy tính khẩn cấp Việt Nam (VNCERT) tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ đã khẳng định: “Đảm bảo ATTT có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng chính phủ điện tử. Nếu hệ thống không an toàn, bị tin tặc đánh sập thì không chỉ làm tổn thất đến hạ tầng mà quan trọng hơn, nguy cơ lộ thông tin là rất cao. Do đó, ATTT luôn luôn phải đi kèm khi xây dựng Chính phủ điện tử.”
Ông Lê Mạnh Hà đánh giá vai trò của các tổ chức, hiệp hội ATTT dân sự do Bộ TT&TT quản lý như VNCERT, VNISA là rất quan trọng trong công tác xây dựng chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36A. Theo ông, phải có sự phân công nhiệm rõ ràng giữa văn Văn phòng chính phủ và các tổ chức dân sự chuyên trách ATTT. Ông Lê Mạnh Hà chỉ rõ, trong trường hợp cụ thể của mình, VNCERT cần tập trung nhân lực ATTT, nhất là cơ chế để thu hút nhân lực.
Đồng tình với khuyến nghị của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm ứng cứu máy tính khẩn cấp Việt Nam (VNCERT) cho biết, sắp tới, trung tâm sẽ tập trung vào các giải pháp thúc đẩy, tăng cường mạng lưới ứng cứu sự cố, thúc đẩy tăng cường các kỹ năng cho các đội ứng cứu sự cố của các Bộ, ngành, địa phương thông qua các hoạt động đào tạo, huấn luyện, diễn tập cho toàn bộ mạng lưới ứng cứu sự cố cũng như tổ chức các diễn tập về an toàn thông tin chống mã độc gián điệp, chống tấn công có chủ đích ở trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường giám sát hệ thống, dịch vụ Chính phủ điện tử để đảm bảo ATTT trong Chính phủ điện tử; tăng cường mở rộng các điểm giám sát trên toàn quốc để giám sát các hệ thống quan trọng. Trung tâm cũng tăng cường kiểm tra, đánh giá mức độ ATTT cho các hệ thống thông tin quan trọng của cơ quan chính phủ; tăng cường các hoạt động nghiên cứu phát triển đẻ ứng dụng công nghệ mới, các giải pháp trong triển khai các chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm; phát triển nhân lực đảm bảo an toàn mạng, ứng cứu sự cố của Trung tâm và các cơ quan chuyên trách trong mạng lưới ứng cứu sự cố.
Một trong những nhiệm vụ Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ TT&TT tập trung khi lập kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a là thực hiện giám sát an toàn thông tin (ATTT) đối với hệ thống, dịch vụ CNTT của Chính phủ điện tử.
Trước đó, theo thông tin từ VNCERT, hệ thống giám sát an toàn mạng quốc gia đã xử lý khoảng 2 triệu sự kiện an toàn thông tin (ATTT) hàng tuần. Trong đó, thường xuyên có từ 40.000 đến 50.000 sự kiện nguy hiểm cần phân tích và xử lý.