Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 vừa khai mạc sáng nay, ngày 26/7 (Ảnh Ban tổ chức cung cấp) |
Sáng nay, ngày 26/7, tại TP.Huế, hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 đã khai mạc. Có chủ đề “Phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia và giải pháp tích hợp Hệ thống một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp”, hội thảo năm nay do IDG Vietnam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam, Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT và UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng.
Trong phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là một xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, vì Chính phủ điện tử đã giúp tạo ra sự minh bạch, sự giám sát và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, đặc biệt là không ai bị bỏ lại phía sau.
Người đứng đầu VPCP cũng nhấn mạnh mục tiêu hoạt động của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ của Chính phủ. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là sự hài lòng, kết quả hoạt động của Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ.
Điểm lại quá trình phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, nhất là những nội dung công việc đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai từ tháng 4/2018 đến nay, ông Mai Tiến Dũng cho hay, với cách làm mới là thông qua chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và sự tham gia rất tích cực của Bộ TT&TT cùng VPCP - 2 cơ quan hạt nhân tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, trong 4 tháng vừa qua, chúng ta đã làm được một số việc.
Theo báo cáo mới nhất của VPCP, việc xây dựng hạ tầng Chính phủ điện tử tại Việt Nam trong năm 2019 đã có nhiều bước tiến quan trọng. Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 và đưa ra dự thảo Quyết định ban hành mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đã được triển khai tích cực, tiêu biểu như cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Bảo hiểm xã hội, Tài chính, Tài nguyên môi trường… tạo nền tảng dữ liệu đồng nhất cho hệ thống Chính phủ điện tử vận hành.
Bộ TT&TT cũng đã triển khai kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, nhà nước đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và 93,4% quận, huyện, thị xã; nâng cấp băng thông, đảm bảo lưu lượng truyền tải không sử dụng vượt ngưỡng 50%, kết nối đường trục 2 mặt phẳng tốc độ 1,2 Gbps, kết nối liên tỉnh 50-400 Mbps; và sẵn sàng cung cấp dịch vụ IPv6 song song với việc từng bước tăng cường an ninh bảo mật cho hệ thống.
Cùng với đó, các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng có nhiều bước tiến. Đơn cử như, VPCP đang đẩy mạnh thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia với 4 nội dung chính: nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tích hợp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp; cung cấp nền tảng đăng nhập, thanh toán trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp hệ thống phản ánh, kiến nghị.
Tính đến hết quý II/2019, chỉ riêng tại cấp địa phương đã cung cấp 43.369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai, trong đó có 6.575 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 15,16% (Ảnh minh họa: Internet) |
Theo thống kê, tính đến hết quý II/2019, chỉ riêng tại cấp địa phương đã cung cấp 43.369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai, trong đó có 6.575 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến (15,16%); còn tại cấp bộ, ngành là 1.758 dịch vụ, trong đó có 506 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến (28,78%). Việc thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng được chú trọng, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng triển khai các công nghệ tiên tiến nhằm bảo đảm hoạt động thanh toán dịch vụ công được thuận tiện, nhanh chóng, an toàn.
Cũng tại hội thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tới đây Bộ TT&TT sẽ sớm công bố Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Các nội dung trong Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của bộ, ngành, địa phương sẽ phải được thiết kế dựa trên chuẩn hóa của Kiến trúc sắp được công bố Bộ TT&TT để tiến tới chúng ta có nền tảng tích hợp, có hạ tầng và dữ liệu.
“Đây là những vấn đề rất khó nhưng chúng ta không chờ để cầu toàn, tinh thần là làm đâu chắc đó, làm đâu được đó và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn dữ liệu”, ông Mai Tiến Dũng lưu ý.
Đề cập đến hình thức đầu tư, người đứng đầu VPCP mong rằng trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 sẽ được Bộ TT&TT, tới đây các doanh nghiệp, tập đoàn sẽ tham gia trực tiếp cùng địa phương trong các vấn đề như xây dựng đô thị thông minh, trung tâm giám sát, hay Cổng dịch vụ công…, hỗ trợ các địa phương với phương châm “Doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước thuê lại” để phát huy tối đa nguồn lực thu hút từ các doanh nghiệp, từ khối tư nhân.
Theo chương trình, ngoài phiên Báo cáo chính, hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2019 còn có 2 phiên thảo luận chuyên đề tập trung vào các nội dung “Chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước góp phần hoàn thiện Chính phủ số: Mô hình và giải pháp công nghệ”; “Cải cách, tinh giảm thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ công trực tuyến”. Được biết, hơn 20 diễn giả là các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước về chính phủ điện tử, các đơn vị tư vấn và xây dựng, phát triển giải pháp công nghệ trong nước và quốc tế sẽ có tham luận tại hội thảo.
Diễn ra song song với hội thảo là triển lãm các thành tựu công nghệ phục vụ việc xây dựng hạ tầng hệ thống, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử và các công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ cổng dịch vụ công quốc gia, các giải pháp phát triển thành phố thông minh... của các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước như HPE, Dell Technologies, Samsung Vietnam, VNPT, Hyperlogy, SauBacDau Group…