Trong báo cáo về Tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử năm 2018 được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 25/12/2018, các kết quả đạt được và hạn chế đều được đưa ra. Báo cáo nêu rõ, việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử trong năm vừa qua đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt trong chỉ đạo điều hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chính phủ điện tử còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu (NGSP) triển khai chậm, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử (LGSP) tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử như: Dân cư, đất đai, tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện, làm ảnh hưởng đến triển khai Chính phủ điện tử. Việc xử lý, trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước còn chưa phát huy được hiệu quả; hệ thống quản lý văn bản và điều hành của một số bộ, ngành, địa phương khác nhau.

Dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Mặc dù số lượng dịch vụ công mức 3, mức 4 triển khai tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa bảo đảm tính khoa học, gây gánh nặng cho cán bộ công chức.

Ngân sách đầu tư cho ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống thông tin gắn với cải cách hành chính vẫn còn hạn chế, cơ chế đầu tư tài chính chậm sửa đổi nên chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nền hành chính, chưa đủ để tạo ra đòn bẩy nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, cũng như tăng chất lượng dịch vụ công.

Có những tồn tại như trên là do nhiều nguyên nhân. Về thể chế, còn thiếu các quy định pháp lý về kết nối, chia sẻ dữ liệu; xác thực và định danh cá nhân, tổ chức cho các giao dịch trên môi trường mạng; bảo vệ dữ liệu cá nhân; văn thư, lưu trữ điện tử; quy trình chuẩn trong giải quyết công việc trên môi trường mạng tại các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đang tích cực xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng các Nghị định quan trọng về kết nối, chia sẻ dữ liệu, về xác thực và định danh cá nhân, tổ chức, về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng tiến độ đang chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Về công nghệ, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (1.0) được ban hành từ năm 2015 không được cập nhật kịp thời xu hướng phát triển Chính phủ điện tử và nhiều công nghệ mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Tiến độ triển khai Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (2.0) còn chậm. Hạ tầng CNTT chưa đồng bộ, thiếu hệ thống/nền tảng liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành địa phương. Việc bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin cũng chưa được coi trọng.

Về tổ chức thực thi, việc chỉ đạo triển khai xây dựng Chính phủ điện tử tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa gắn kết với cải cách hành chính dẫn đến việc xây dựng các ứng dụng thiếu hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa linh hoạt, thiếu chặt chẽ; vẫn có tâm lý, thói quen cát cứ, không sẵn sàng chia sẻ, công khai/mở thông tin, dữ liệu; chưa nêu cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.

Về nguồn lực tài chính trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng chính phủ điện tử trong khi nguồn lực ở các doanh nghiệp này là rất lớn.

Để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử trong năm 2019, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chính phủ một số vấn đề: sớm ban hành Nghị quyết Chính phủ về một số nghiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025; phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet); Bộ Công an được kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sớm trình Chính phủ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia và đứng thứ 6/11 quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong đó, chỉ số Dịch vụ công trực tuyến (OSI) tăng đáng kể so với năm 2016 (59/193 quốc gia); chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) liên tục giảm trong 4 kỳ báo cáo (2012 - 2018) gần nhất (xếp hạng 100/193 quốc gia) nằm dưới mức trung bình của cả khu vực và thế giới; chỉ số nguồn nhân lực (HCI) tăng nhẹ so với năm 2016 (xếp hạng 120/193), cao hơn mức trung bình của thế giới nhưng thấp hơn so với mức trung bình của châu Á và ASEAN.