Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng các phầm mềm dịch vụ công trực tuyến, phầm mềm 1 cửa điện tử thống nhất trên cơ sở tổ chức lại các phầm mềm hiện có; bảo đảm việc triển khai do 1 đơn vị đầu mối thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện và mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng thống nhất 1 phần mềm của bộ, tỉnh. Việc xây dựng phầm mềm phải bảo đảm tuân thủ các hướng dẫn, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT và các Bộ, ngành khác.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, hoàn thành trước tháng 9/2018.

Đối với các dự án CNTT hoặc kế hoạch thuê dịch vụ CNTT được thực hiện từ năm 2018 trở đi, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, phải có yêu cầu, nội dung về kết nối, chia sẻ và liên thông các cấp. Khi đầu tư hoặc thuê dịch vụ các hệ thống xử lý thủ tục hành chính, phục vụ phát triển Chính phủ điện tử phải tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ (đối với cấp Bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh (đối với tỉnh) đã được phê duyệt.

Các bộ, cơ quan hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng; phối hợp với các địa phương nghiên cứu các giải pháp để tận dụng dữ liệu phát sinh trong quá trình các địa phương khai thác, sử dụng CSDL, phần mềm do địa phương chủ động đầu tư, xây dựng, tránh lãng phí nguồn lực cập nhật, duy trì dữ liệu.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ban hành các quy trình thực hiện thủ tục hành chính thống nhất để áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-dat-dai-1474467462_lupa.jpg

Trên cơ sở giải pháp phần mềm một cửa điện tử thống nhất do Bộ TT&TT đánh giá lựa chọn và khuyến cáo sử dụng cho cấp Bộ, tỉnh, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT lựa chọn bộ, địa phương triển khai thí điểm; đánh giá, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai nhân rộng.

Trước đó, phiên bản 1.0 kiến trúc Bộ TT&TT điện tử đã chính thức được ban hành, là căn cứ quan trọng để tạo một mô hình thống nhất định hướng cho các cơ quan thuộc Bộ xây dựng cơ quan điện tử. phiên bản 1.0 kiến trúc Bộ TT&TT điện tử  làm căn cứ để lập kế hoạch, chương trình, dự án và thiết lập yêu cầu chức năng, kỹ thuật các hệ thống thông tin; tạo một mô hình thống nhất định hướng cho các cơ quan thuộc Bộ TT&TT xây dựng cơ quan điện tử; hỗ trợ việc lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, ứng dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến; nâng cao khả năng tận dụng năng lực hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu sẵn có thay vì xây dựng mới; đồng thời hỗ trợ việc lựa chọn các giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ, mức độ sẵn sàng về tài chính và nhân lực, xu thế phát triển của công nghệ.

Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, mà chỉ cần 1 lần tại bộ phận một cửa dưới sự giám sát qua camera. Theo đánh giá của Thủ tướng, thời gian qua, công tác cải cách TTHC đạt một số kết quả, tuy nhiên người dân, doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết TTHC ở khâu này, khâu khác tại nhiều cơ quan khác nhau. Một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp như né tránh trách nhiệm, chỉ dẫn lòng vòng. Thủ tướng đề nghị cần trực tiếp lắng nghe thêm nhiều ý kiến của các hiệp hội ngành nghề để giải quyết thủ tục đang vướng mắc sát với thực tiễn. Bên cạnh hướng chính là cải cách tốt hơn thì cần lưu ý không buông lỏng quản lý nhà nước.