Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, những vấn đề mới thường là vấn đề khó. Do vậy, cơ quan đại diện cùng với các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp xây dựng các chương trình hành động với từng địa bàn, từng lĩnh vực, từng đối tác cụ thể.
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã phát huy vai trò, vị thế của mình để đóng góp vào công tác ngoại giao kinh tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, kịp thời hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm trong nước.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về tình hình ngoại giao kinh tế năm 2023 tổ chức tại Trụ sở Chính phủ, đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, các đại sứ đã đóng góp nhiều ý kiến cũng như các giải pháp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo cũng đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, bên cạnh việc cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin về thị trường, cơ hội kinh doanh, cảnh báo về rào cản trong hợp tác, các cơ quan đại diện cần tham mưu với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư phù hợp với đặc thù của địa bàn. Sự phối hợp giữa trong và ngoài nước là rất quan trọng.
Đặc biệt, theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, hiện các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc là thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực mới, như: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, công nghệ sinh học, năng lượng mới, sản xuất chất bán dẫn…
Do đó, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, các cơ quan đại diện cần nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu để kịp thời kiến nghị về trong nước các lĩnh vực mới để thúc đẩy hợp tác. Ngược lại ở trong nước, nếu thấy những lĩnh vực mới cần đặt hàng các cơ quan đại diện để tìm hiểu nghiên cứu báo cáo Thủ tướng.
Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, những vấn đề mới thường là vấn đề khó. Do vậy, cơ quan đại diện cùng với các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp xây dựng các chương trình hành động với từng địa bàn, từng lĩnh vực, từng đối tác cụ thể.
Tăng cường công tác ngoại giao kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội XIII của Đảng xác định: "Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước"; "Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".
Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư là một văn bản quan trọng của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; trong đó xác định: "Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…" và đề ra các định hướng, nhiệm vụ ngoại giao kinh tế trọng tâm trong giai đoạn phát triển mới, hết sức quan trọng của đất nước.
Triển khai Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối và quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đối ngoại, Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định phương châm: "Tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt, ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước" với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; mở rộng, làm sâu sắc và tạo thế đan xen lợi ích trong quan hệ kinh tế với các đối tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; Vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực tăng trưởng; xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế.