Bộ GD-ĐT đang xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục địa phương, qua đó thông tin cơ bản về chất lượng giáo dục sẽ được công khai. Kết quả thi THPT quốc gia và tỉ lệ tốt nghiệp THPT không phản ánh hết chất lượng giáo dục, mà chỉ là một trong những chỉ số đầu ra quan trọng của bộ chỉ số này. Dưới đây là ý kiến của TS Lê Mỹ Phong (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT)

Vai trò quan trọng của bộ chỉ số

Ở bất kỳ quốc gia nào, chất lượng luôn là mục tiêu hàng đầu của hệ thống giáo dục quốc dân. Để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài việc chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học; tăng cường đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng như đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính,… thì các hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục ngày càng được quan tâm.

{keywords}
Với chỉ số đánh giá, các địa phương sẽ so sánh được với chính mình và các nơi khác một cách toàn diện về giáo dục. Ảnh: HA

Cho đến nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành khá đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để các địa phương, đơn vị triển khai công tác bảo đảm chất lượng giáo dục.

Quy định về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên đã được các địa phương triển khai trong nhiều năm qua.

Từ năm 2018, quy định mới theo hướng tích hợp hoạt động công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục mầm non và phổ thông cũng đã được ban hành và triển khai áp dụng cho từng cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, nhiều địa phương mong muốn có thêm bộ chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục theo các đơn vị hành chính, trước hết là cấp tỉnh/thành phố, nhằm giúp các bên liên quan có thông tin tin cậy về chất lượng giáo dục trong từng địa phương và giữa các địa phương cùng cấp.

Qua bộ chỉ số này, lãnh đạo địa phương sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh về giáo dục địa phương, nhất là những chỉ số còn yếu; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục của địa phương cũng có được cái nhìn khách quan và đối sánh với các địa phương khác, từ đó đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý, cũng như tư vấn chính sách phát triển giáo dục phù hợp với địa phương.

Bộ chỉ số được xây dựng như thế nào?

Bộ chỉ số hiện đang được nhóm các nhà khoa học giàu kinh nghiệm về giáo dục Việt Nam, trong đó có các chuyên gia trong nước và quốc tế về quản lý giáo dục, đo lường và đánh giá giáo dục tích cực triển khai nghiên cứu trong khuôn khổ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia giai đoạn 2017-2020.

Với quan điểm “nâng cao trách nhiệm giải trình về chất lượng giáo dục và tạo cơ hội học tập cho mọi người”, nhóm nghiên cứu vận dụng cách tiếp cận toàn diện, có hệ thống đối với giáo dục, trên cơ sở tham khảo khung phân tích chất lượng giáo dục của UNESCO, Cộng đồng Châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Đồng thời, bám sát đặc thù giáo dục nước ta để có thể đề xuất một bộ chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục địa phương bảo đảm tính khoa học và khả thi.

Dự kiến bộ chỉ số này sẽ được thiết kế theo các nhóm chỉ số bao quát được những khía cạnh cơ bản của giáo dục địa phương, mỗi nhóm chỉ số sẽ có một số chỉ số cụ thể.

Ví dụ, có các nhóm chỉ số về: bối cảnh giáo dục địa phương; nguồn lực giáo dục (nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất); quá trình giáo dục (dạy học, học tập, đánh giá); kết quả đầu ra và thành tựu giáo dục;… Vì vậy, có thể nói, bộ chỉ số về cơ bản sẽ đánh giá được toàn diện chất lượng giáo dục địa phương.

Ý nghĩa của kết quả thi THPT quốc gia và tỉ lệ tốt nghiệp THPT trong bộ chỉ số

Trong bộ chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục địa phương đang được nghiên cứu, kết quả thi THPT quốc gia và tỉ lệ tốt nghiệp THPT chỉ là một trong những chỉ số đầu ra quan trọng, và kết quả này chỉ phản ánh được một khía cạnh trong bức tranh tổng thể về chất lượng giáo dục địa phương.

Như đã nói ở trên, chất lượng giáo dục của mỗi địa phương được thể hiện ở nhiều nhóm chỉ số khác nhau.

Ngay cả với nhóm chỉ số kết quả đầu ra và thành tựu giáo dục, ngoài kết quả thi THPT quốc gia và tỉ lệ tốt nghiệp THPT, còn các chỉ số khác như: kết quả phổ cập giáo dục; kết quả bồi dưỡng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; kết quả thi học sinh giỏi quốc gia/quốc tế; tỉ lệ học sinh lớp 12 đỗ vào các trường đại học…

Với việc cập nhật thông tin vào bộ chỉ số theo từng năm học, các địa phương sẽ thấy được bức tranh thực tiễn về chất lượng giáo dục, sẽ biết được chỉ số nào tốt, chỉ số nào kém so với những năm trước, từ đó có những chính sách, kế hoạch phù hợp để khắc phục hoặc cải tiến kịp thời.

Với bộ chỉ số này, thông tin cơ bản về chất lượng giáo dục của mỗi địa phương cũng sẽ được công khai để toàn xã hội được biết. Việc cải tiến các chỉ số còn yếu so với chính địa phương và so với các địa phương khác sẽ có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục của từng địa phương, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục cả nước.

Để triển khai được bộ chỉ số một cách hiệu quả sẽ cần tới sự đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin, sự vào cuộc của nhiều bên liên quan, gồm cấp ủy, chính quyền các địa phương, hệ thống cơ quan quản lý giáo dục từ Bộ GD&ĐT đến các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và từng cơ sở giáo dục.

Hy vọng rằng, việc nghiên cứu và đưa ra được bộ chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục địa phương sẽ là một trong những giải pháp tốt để góp phần đổi mới quản lý giáo dục theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

 

Hạ Anh (Ghi)

Thiếu trầm trọng khuôn viên, lấy đâu ra chất lượng giáo dục thể chất?

Thiếu trầm trọng khuôn viên, lấy đâu ra chất lượng giáo dục thể chất?

Đại diện nhiều địa phương thẳng thắn: Giáo viên thiếu, chương trình chán, khuôn viên thiếu, ngân sách vắng...thì lấy đâu ra chất lượng giáo dục thể chất tốt.