Chiều 27/4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Vẫn tồn tại tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng khoa Pháp luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội quan tâm đến nội dung quy định: “Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng bảng giá đất".
Trong quá trình thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường được thuê tổ chức tư vấn định giá đất để xây dựng bảng giá đất, thẩm định bảng giá đất; trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất xem xét trước khi trình UBND cấp tỉnh”.
Theo bà Nga, để đảm bảo bảng giá đất được ban hành phù hợp với giá thị trường trong quá trình xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường “được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất”.
Tuy nhiên, pháp luật chỉ quy định Sở Tài nguyên và Môi trường “được thuê” chứ không quy định “phải thuê” tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá nên sở này hoàn toàn có thể không thuê, tự thông qua các phòng ban, chuyên môn để xây dựng bảng giá đất mà không hề vi phạm quy định.
“Nếu bảng giá đất được xây dựng không do một tổ chức có chức năng, chuyên môn nghiệp vụ thực hiện liệu có đảm bảo được tính hiệu quả hay không, có đáp ứng được yêu cầu của thị trường hay không?”, bà Nga băn khoăn.
Ngoài ra, bà Nga cũng lưu ý, một trong 4 nguyên tắc định giá đất cần phải thực hiện, đó là “bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, Hội đồng thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất và các cơ quan này phải độc lập với nhau trong khâu định giá.
“Tuy nhiên, với quy định trong dự thảo Luật về trình tự, ban hành bảng giá đất, tôi cho rằng chưa có sự rõ ràng, cụ thể về 4 cơ quan này”, bà Nga nêu.
Cụ thể, UBND cấp tỉnh là cơ quan quyết định giá đất nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có trách nhiệm “giúp UBND cấp tỉnh” xây dựng bảng giá đất. Với quy định trên, về bản chất Sở Tài nguyên và Môi trường không phải là một cơ quan định giá có trách nhiệm độc lập để xây dựng bảng giá đất mà cơ quan định giá vẫn là UBND cấp tỉnh.
Do đó, bà Nga cho rằng, UBND cấp tỉnh vừa là cơ quan định giá vừa là cơ quan quyết định giá. Điều này đã phản ánh sự không độc lập, không phù hợp và thiếu tính đồng bộ với nguyên tắc đã được đưa ra.
“Mặc dù Dự thảo luật Đất đai có sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục ban hành bảng giá đất nhưng không có sự đổi mới đột phá mà vẫn kế thừa luật Đất đai năm 2013 khi ban hành giá đất cụ thể. Tôi cho rằng quy định này phản ánh thực chất đây chỉ là “bình mới, rượu cũ”, ở đó vẫn tồn tại tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” với thẩm quyền quyết định cao nhất thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh”, bà Nga lưu ý.
Tránh lợi dụng chính sách để “ôm đất”, “đầu cơ” đất
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực ghi nhận, dự thảo luật đã bước đầu đã thể chế và tiếp thu nhiều ý kiến góp ý về những quy định trực tiếp đến đất tôn giáo.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa rõ, rất khó thực hiện. Chẳng hạn như cần bổ sung thêm mục giải thích đất tôn giáo là gì, đất tín ngưỡng là gì cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi cách hiểu hiện nay rất khác nhau.
Cùng với đó các điều quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân loại đất trong Luật phải đề cập rõ hơn đất tôn giáo, tín ngưỡng. Bổ sung “đất tín ngưỡng” trong quy hoạch cấp tỉnh, đất “tín ngưỡng, tôn giáo” trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Ngoài ra, theo ông Thực, phải chỉ rõ các loại hình tôn giáo được thuê đất để phù hợp với chính sách: “tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật để tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả”, tránh lợi dụng chính sách để “ôm đất”, “đầu cơ” đất, lãng phí không sử dụng đất.
Phản biện những nội dung liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, đề xuất cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "Đất ở, đất sản xuất được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp (ưu tiên) cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách dân tộc thì không được mua bán, chuyển nhượng, cho thuê" (có thể bổ sung khoản này vào Điều 17).
Cùng với đó, trong dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định "có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" công khai, minh bạch và có trách nhiệm với đồng bào.