Nếu so sánh với dự án đầu tư chính quyền điện tử của Thừa Thiên Huế, việc đầu tư cho Đô thị thông minh có gì khác?
Đô thị thông minh được phát triển trên cơ sở kế thừa mô hình của chính quyền điện tử. Hai hệ thống này gắn chặt với nhau trong quá trình vận hành cũng như triển khai. Mô hình chính quyền điện tử là một bước triển khai để người dân có những dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện tương tác nhiều hơn giữa người dân và chính quyền; Các dịch vụ công ích được lồng ghép nhiều, cũng như ứng dụng nhiều giải pháp để nâng cao tương tác, thông tin 2 chiều giữa người dân và chính quyền để hình thành nên đô thị thông minh. Đây là một quá trình chuyển tiếp logic và có mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau.
Mô hình đô thị thông minh là kế thừa trên nền tảng của chính quyền điện tử nên quá trình triển khai cả 2 hệ thống này là song song. Đô thị thông minh sẽ hỗ trợ cho chính quyền điện tử và ngược lại. Tôi nghĩ đây là một quan điểm và quan điểm này cần được quán triệt trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Chính quyền thông minh phục vụ cho doanh nghiệp, người dân thì đô thị thông minh cũng phục vụ cho đối tượng đấy. Rõ ràng chúng ta phải tích hợp lại tất cả các ứng dụng này để làm sao cho thống nhất. Đến một giai đoạn nào đó thì cả 2 phải hòa làm một.
Trung tâm điều hành thông minh được Thừa Thiên Huế triển khai rất nhanh, chỉ trong vòng 90 ngày. Làm thế nào để Thừa Thiên Huế thực hiện được điều này?
Để có mô hình này thì chúng tôi cũng có nhiều trăn trở. Đầu tiên là xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phục vụ cho người dân, doanh nghiệp khi họ tiếp cận các dịch vụ của Nhà nước như dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp và dịch vụ công ích.
Thực ra, để có đô thị thông mình tốt phải có mô hình quản lý điều hành hệ thống tốt, hai hệ thống này tương tác hỗ trợ cho nhau. Lợi thế mạnh của Thừa Thiên Huế trong thời gian xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh là có một mô hình quản trị tốt, chuẩn hóa các hoạt động dịch vụ. Điều này quan trọng vô cùng.
Nếu đủ lực, chúng ta có thể mua các hệ thống khác như của nước ngoài và áp dụng nhưng nó không phù hợp với mô hình quản lý của chính quyền địa phương ở đây thì sẽ không hiệu quả, không đồng bộ. Điều này sẽ dẫn đến không phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp.
Chúng tôi nhận thấy rằng, mô hình quản lý của chính quyền quan trọng vô cùng và các giải pháp công nghệ thông tin chẳng qua là ứng dụng phục vụ cho quả trình quản lý thôi. Sai lầm trước kia là chúng ta cứ trọng về kỹ thuật, áp dụng một cái mà không thể nào khả thi cho chính quyền của mình được. Ông không thể mua môt mô hình của nước ngoài trị giá nhiều tỷ đồng nhưng không dùng được.
Vấn đề phải là một mô hình quản lý tốt, từ nhu cầu của thực tiễn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, đưa ra bài toán đúng. Sau đó, Viettel có đội ngũ chuyên gia công nghệ tốt, giải được bài toán về nhu cầu cầu chúng tôi.
Viettel nói với chúng tôi là các anh giúp chúng tôi vì có mô hình quản lý tốt, tôi nói với Viettel là anh đã cho tôi một giải pháp công nghệ tốt, hai bên cùng giúp nhau. Thừa Thiên Huế cung cấp mô hình quản lý tốt, Viettel hỗ trợ một giải pháp kỹ thuật tốt. Chính cái này đã tạo nên giải thưởng sáng tạo châu Á.