Hoàn thành từ năm 2012 nhưng Xẩm Đỏ đến nay mới ra mắt. Trong sản phẩm mới hoàn thiện chuẩn bị ra mắt có 35 phút là phim Xẩm Đỏ, chắt lọc từ 1200 phút bấm máy.

{keywords}
Đạo diễn Lương Đình Dũng và cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Giải thích về tên phim, vị đạo diễn sinh năm 1973 cho biết: "Tôi muốn gọi nó là Xẩm Đỏ vì theo tôi, khi phác họa hát xẩm bằng màu sắc thì sẽ thiên về màu đỏ. Đó là màu báo động về một loại hình nghệ thuật có thể bị thất truyền khi những nghệ nhân của nó dần ra đi. Nó còn là màu của nước mắt, mồ hôi của những thân phận nghệ nhân hát xẩm khốn khó, hẩm hiu khi xưa".

Xẩm Đỏ thu hút người xem vì nó gần như là duy nhất một bộ phim được quay tự nhiên về cụ Hà Thị Cầu, với những hình ảnh vừa đẹp vừa lạ xoay quanh nghệ thuật Xẩm và nhân tình thế thái xung quanh.

Bộ phim không có lời bình, giống như một sự độc diễn của nhân vật. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, anh không muốn đem lời bình vào phim mà muốn để dành phần đó cho khán giả. "Mỗi phim có một tính chất khác nhau. Nếu tôi đưa lời bình vào phim này và dùng lời bình dẫn dắt câu chuyện theo ý đồ của mình thì phim có thể dễ xem hơn, nhưng nó sẽ trở nên khiên cưỡng và thiếu đi tính tự nhiên. Tôi muốn khán giả tự cảm nhận và như đang được xem, được nghe, được đối thoại với chính nhân vật. Mặc dù khi thực hiện phim không sử dụng lời bình cũng hơi vất vả vì phải quay rất nhiều để tìm ra sự xâu chuỗi trong các hình ảnh ấy", anh lý giải.

Là một đạo diễn lành nghề, từng quay nhiều phim truyện và quảng cáo, Lương Đình Dũng ước tính việc quay phim về một nhân vật, không có sự chuyển dịch bối cảnh nhiều sẽ mất cùng lắm một tháng. Không ngờ sự khó khăn trong quá trình thực hiện cùng sự kỹ tính cầu toàn khiến êkíp phải đi lại Ninh Bình nhiều lần trong hai năm trời. Nghệ nhân 95 tuổi lúc hợp tác, lúc từ chối, lúc khóc, lúc cười, nhớ nhớ, quên quên theo căn bệnh tuổi già, có hôm đang hát nửa chừng thì mất giọng. Tuy vậy, Lương Đình Dũng vẫn kiên quyết theo đuổi bộ phim bởi lòng đam mê xẩm và tình yêu với văn hóa nghệ thuật truyền thống.

{keywords}
Ê kíp thực hiện bộ phim.

Từ hơn 1.200 phút quay, chắt đọng lại chỉ còn 35 phút, Lương Đình Dũng và cả êkíp đã phải đau đầu cân nhắc. Đây là một trong số ít sản phẩm mà anh thực sự hài lòng. Dù vậy, nhiều khán giả khi cầm trên tay Xẩm đỏ vẫn cảm thấy tiếc vì phim quá ngắn. Chính vì thế, Lương Đình Dũng dựng lại một bản phim khác dài hơn để người xem có thể được nghe nhiều hơn những bài hát của 'báu vật làng Xẩm'.

Giải thích về việc chậm trễ ra mắt sản phẩm, Lương Đình Dũng cho biết: "Tôi chưa hề có ý định ra mắt vì tôi thấy buồn cho đến giờ cũng chẳng có cơ quan văn hoá nào hỏi về phim của cụ, nó không phải là cá nhân mà nó là một môn nghệ thuật tuyệt vời đậm chất Việt, nó có tính giáo dục cao. Ít ra nó cũng là những tư liệu quý về môn nghệ thuật này".

Không gặp nhiều sự ủng hộ để phát hành đĩa rộng rãi, Lương Đình Dũng vẫn sẵn sàng nhận lỗ để gửi sản phẩm tâm huyết của mình tới mọi người. "Tôi quyết định mang Xẩm Đỏ đến với công chúng do có một nhóm các nghệ nhân yêu Xẩm rất trẻ đến gặp tôi mà muốn được tiếp cận tư liệu này về để học. Họ hát cho tôi nghe, tôi thấy cảm động và hy vọng họ là những người kết nối".

Được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ sĩ ưu tú và giải thưởng Đào Tấn cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc, bà Hà Thị Cầu lại có hoàn cảnh sống rất khó khăn. Gia đình bà là một trong những hộ nghèo nhất xã, con gái chạy chợ, con rể làm nghề đánh cá. Bà qua đời tháng 3/2013.

An Trần