Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học (FLIC500) thuộc Học viện An ninh nhân dân vừa phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), thí điểm sử dụng giải pháp MK e-ID tích hợp với phần mềm thi trắc nghiệm OmegaTest trong đợt thi chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh khung 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) diễn ra ngày 19/6.
VSTEP là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2 của khung tham chiếu Châu Âu, được Bộ GD&ĐT ban hành và thiết kế.
Tính đến năm nay, Bộ GD&ĐT đã cấp phép cho 25 trường Đại học được tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP, trong đó có Học viện An ninh nhân dân. Tuy vậy, những năm qua, việc thi chứng chỉ ngoại ngữ đã gặp phải nhiều vấn đề gian lận thi cử, trong đó có hình thức nhờ người thi hộ, làm ảnh hưởng đến uy tín và giá trị của chứng chỉ này.
Vì thế, FLIC500 và các đơn vị thí điểm ứng dụng giải pháp xác thực định danh bằng Căn cước công dân gắn chip MK e-ID tích hợp vào phần mềm thi trắc nghiệm OmegaTest, kỳ vọng đây sẽ là giải pháp giúp giảm thiểu gian lận trong thi cử, nhất là tình trạng thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ.
Giải pháp MK e-ID của Công ty cổ phần tập đoàn MK (MK Group) thực hiện việc xác thực chữ ký số của Bộ Công an lưu trong chip Căn cước công dân giúp xác định thẻ thật giả và xác minh thông tin sinh trắc học vân tay/ khuôn mặt của công dân lưu trong chip của căn cước công dân. Từ đó, ngăn chặn các hành vi giả mạo giấy tờ, giúp xác thực danh tính công dân một cách chính xác trong các hoạt động giao dịch.
Là phần mềm thi trắc nghiệm do Công ty cổ phần Tinh Vân phát triển, OmegaTest hỗ trợ các trung tâm khảo thí tổ chức một kỳ thì hoàn chỉnh, từ lập kế hoạch, danh sách hội đồng, chốt danh sách thí sinh, biên soạn đề thi, đến tổ chức thi, giám sát kỳ thi, chấm thi tự động (với phần đọc, nghe), phân công chấm (với phần viết, nói), công bố kết quả, tổ chức phúc khảo.
Trước đợt thi ngày 19/6, các đơn vị cũng đã có đợt đánh giá thử nghiệm giải pháp MK e-ID tích hợp vào phần mềm OmegaTest vào ngày 23/5/2023. Kết quả qua 2 đợt thử nghiệm cho thấy, giải pháp này đã bước đầu giải quyết được các vấn đề liên quan tới thi trắc nghiệm và chống gian lận thi cử.
Thời gian tới, các bên tham gia triển khai thử nghiệm dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp để triển khai bộ giải pháp phần mềm khảo thí hoàn chỉnh cho các đơn vị được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ nói riêng, cũng như các kỳ thi/ sát hạch của Bộ GD&ĐT nói chung. Qua đó, góp phần tăng hiệu quả, an ninh an toàn cho các kỳ thi.
Theo Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06), tính đến cuối tháng 5/2023, hơn 80,3 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử đã được cấp cho công dân. Cùng với đó, nền tảng Căn cước công dân gắn chip đã được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực phục vụ phát triển công dân số, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Cụ thể, với nhiệm vụ cấp Căn cước công dân và cập nhật lịch sử thường trú cho công dân trong độ tuổi tham dự các kỳ thi tốt nghiệp THPT, THCS theo đề nghị của Bộ GD&ĐT, trong tháng 5, Bộ Công an, trực tiếp là C06 tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp CCCD cho công dân sinh năm 2004, 2005, 2007, 2008 để phục vụ các kỳ thi tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT Quốc gia. Đến hết tháng 5, đã cấp Căn cước công dân cho hơn 5,9 triệu trường hợp, đạt 97,3%.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an tích hợp chức năng kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào các hệ thống thông tin liên quan để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú phục vụ kiểm tra, xác nhận về ưu tiên vùng cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023.
Cũng trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Công an xác thực và định danh được gần 24/25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh trên Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Trong đó, hồ sơ học sinh đang học lớp 12 năm học 2022 – 2023, sẽ tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cơ bản đã được xác thực và định danh.