Khấm khá nhờ nghề may váy cưới
Như nhiều vùng ven biển khác, trước kia, người dân xã Giao Lạc (huyện Giao Thủy, Nam Định) chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản. Từ những năm 2000, nghề may váy cưới bắt đầu xuất hiện tại vùng quê này.
Hơn 10 năm trở lại đây, nhu cầu thị trường mở rộng, dịch vụ may váy cưới tại Giao Lạc phát triển mạnh, dần trở thành ngành mũi nhọn phát triển kinh tế hộ gia đình và chủ lực của địa phương.
Chị Đỗ Thị Lan - chủ cơ sở váy cưới Lan Thượng (thôn Đại Đồng, xã Giao Lạc) - chia sẻ, gia đình chị là một trong những cơ sở may váy cưới đầu tiên trong xã, bản thân chị cũng gắn bó với nghề này hơn 20 năm. Ban đầu, cơ sở của chị chỉ gồm vài người, đến nay có khoảng 50 lao động.
Những ngày đầu, đơn hàng không nhiều, chị phải đi khắp các tỉnh, vào từng cửa hàng váy cưới để giới thiệu sản phẩm. Qua vài năm, chị đã có lượng khách ổn định và số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng.
Chị Lan cho biết, khách hàng chỉ cần đưa mẫu, xưởng may của chị sẽ sản xuất đúng theo yêu cầu. Giá cả tùy thuộc vào nguyên liệu và mẫu mã. Các mẫu cao cấp có giá cao hơn, được trau chuốt từng đường kim mũi chỉ.
Hiện một ngày xưởng của chị Lan sản xuất được 50-60 chiếc váy, sản lượng tiêu thụ một tháng lên đến 1.500 chiếc, giá từ 1-5 triệu đồng/sản phẩm hoặc cao hơn tùy mẫu mã. Nhờ đơn hàng đều đặn, cơ sở của chị Lan mang lại thu nhập ổn định cho người lao động.
"Thu nhập của mỗi công nhân khoảng 7-10 triệu đồng/tháng. Nhiều người ngày làm ở xưởng, tối mang sản phẩm về nhà làm thêm, thu nhập cao nhất có thể tới gần 20 triệu đồng/tháng. Những thợ có kỹ thuật và khả năng thiết kế tốt thu nhập sẽ cao hơn”, chị Lan chia sẻ.
Bên chiếc máy may, chị Mai Thu Huyền, công nhân may, tươi cười nói: “Tôi may váy cưới từ năm 2009. Trước kia, không có nghề phụ, quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Đúng là 'đất có nghề, quê khởi sắc'.
Từ ngày có nghề may váy cưới, chị Huyền có nguồn thu ổn định, lại tranh thủ làm ruộng được nên kinh tế gia đình được cải thiện rất nhiều. Xung quanh hàng xóm, nhiều hộ cũng khấm khá nhờ nghề này.
"Công xưởng" sản xuất váy cưới của cả nước
Cách cơ sở của chị Lan vài trăm mét, cơ sở sản xuất váy cưới của gia đình chị Trịnh Thị Quyên cũng có 25 công nhân làm việc trực tiếp. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị Quyên xuất đi hơn 1.000 chiếc váy.
Để hoàn thiện một chiếc váy cưới phải qua rất nhiều công đoạn như lên ý tưởng, cắt vải, may, đắp thân, thiết kế họa tiết, đính hoa, kết cườm...
Công nhân sẽ được chia ra mỗi người một công đoạn. Quan trọng nhất là khâu thiết kế bởi sản phẩm có bắt mắt, hợp thị hiếu khách hàng hay không do công đoạn này quyết định.
Do vậy, chủ cơ sở trực tiếp thiết kế hoặc giao cho thợ lành nghề đảm nhận khâu này.
Sau khi hoàn thành, mỗi sản phẩm đều được chủ cơ sở kiểm tra kỹ lưỡng trước khi giao cho khách hàng. Chính sự chỉn chu, giá cả hợp lý, váy cưới Giao Lạc đã nhanh chóng “phủ sóng” rộng khắp cả nước, kể cả nước ngoài.
Hiện, xã Giao Lạc có khoảng 280 cơ sở sản xuất váy cưới, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 người - được ví như công xưởng sản xuất váy cưới lớn nhất cả nước.
Từ khi có nghề may váy cưới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Giao Lạc được nâng cao nhanh chóng. Đường làng, ngõ xóm được trải nhựa sạch đẹp. Nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang, cũng không khó để bắt gặp những ngôi nhà bề thế tại đây.
Lãnh đạo UBND xã Giao Lạc cho biết, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ phát triển nghề, xây dựng phương án hỗ trợ các cơ sở sản xuất váy cưới xử lý rác thải từ vải.
Để gìn giữ, phát triển nghề may váy cưới, chính quyền địa phương đang hướng đến tập hợp và hướng dẫn các cơ sở hình thành doanh nghiệp hoặc hợp tác xã may mặc, từng bước phát triển bài bản hơn, cùng hỗ trợ nhau sản xuất.