- Dù Bộ Tài chính đã có công văn “tuýt còi” việc tăng giá thì các doanh nghiệp sữa vẫn luôn có đủ lý do để giữ quyết định tăng. Thậm chí, mới đây, giá sữa Nestle vẫn tăng cả hơn 10 ngày mà bộ này “không hề biết”.
Không chấp thuận lý do sữa Nestle tăng giá
Mới đây, ngày 24/2, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã có công văn gửi tới Công ty TNHH Nestle - nhà phân phối sữa Nan - đề nghị hoãn tăng giá bởi các lý do của công ty đưa ra thiếu thuyết phục.
Cục Quản lý giá nêu rõ, theo công văn giải trình ngày 12/2, Nestle đưa ra mức lạm phát 6,6% nhưng chưa tính được tác động đến các yếu tố hình thành giá của sản phẩm mà công ty tăng giá bán. Đồng thời, các lý do mà Nestle đưa ra như chi phí nhân công dự kiến tăng 12,8%, chi phí vận chuyển dự kiến tăng 10% và giá nhập khẩu dự kiến tăng 12%, nghĩa là, các phi chí đầu vào này mới chỉ là dự kiến tăng chứ thực tế chưa tăng từ ngày 31/1/2014 - ngày tăng giá.
Do vậy, Cục Quản lý giá đề nghị Nestle cần tiếp tục rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá theo Quy chế tính giá do Bộ Tài chính ban hành, thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm trong sản xuất, lưu thông và không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.
Đồng thời, công ty cần phải giải trình cụ thể đối với từng sản phẩm trên cơ sở yếu tố chi phí đầu vào tăng như giá vốn nhập khẩu, chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và thời điểm tăng chi phí đầu vào tác động làm giá bán sản phẩm tăng.
Một số dòng sữa Nan đã tăng giá từ 31/1/2014 |
Kèm theo đó, Nestle cũng phải cung cấp hồ sơ, chứng từ các chi phí đầu vào tăng trước và sau khi điều chỉnh giá.
“Trường hợp công ty chưa giải trình, bổ sung đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo yêu cầu của Cục Quản lý giá thì đề nghị công ty thực hiện bán theo mức giá trước khi kê khai”, công văn nêu rõ.
Cũng ngày này, một công ty khác là Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, thông báo sẽ tăng giá 7% từ ngày 25/2 cũng được Cục Quản lý giá yêu cầu nộp hồ sơ giải trình.
Cho đến nay, chỉ mới có trường hợp công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) được Cục Quản lý giá chấp nhận lý do tăng là thuyết phục. Các nhãn sữa Enfamil, Enfagrow và Enfalac của công ty này đã tăng 5-7%, vì giá nhập khẩu theo tờ khai hải quan chứng minh tăng 12,6-12,8%.
Sẽ giải trình và vẫn tăng giá như thường
Những động thái trên của Cục Quản lý giá cho thấy sự chỉ đạo khá quyết liệt, gắt gao, chặt chẽ đối với thị trường sữa. Và theo lý thuyết của nhà quản lý, nếu không chứng minh thuyết phục được nguyên nhân tăng giá hợp lý thì doanh nghiệp sẽ không được tăng giá.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp sữa thì đó chỉ là suy nghĩ của nhà quản lý.
Ngày 13/2, trong khi Cục trưởng Cục Quản lý giá “đinh ninh” Nestle chưa tăng giá bán thì ngược lại, công ty này đã bán với giá mới từ trước đó 12 ngày, từ ngày 31/1.
Thậm chỉ, kể cả sau công văn “tuýt còi” hôm 24/2, hãng sữa này cũng vẫn tiếp tục khẳng định, không có chuyện hạ giá bán về mức cũ như Bộ Tài chính yêu cầu.
Bộ Tài chính vẫn khó quản giá sữa |
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng Bộ phận đối ngoại và pháp lý, Công ty Netsle Việt Nam, khẳng định: “Chúng tôi vẫn đã và đang áp dụng giá bán như hồ sơ đăng ký giá đã gửi tới Bộ Tài chính”.
“Theo chúng tôi hiểu thì đó không phải là công văn yêu cầu dừng việc tăng giá. Còn nếu Bộ Tài chính hiểu rằng, công văn đó giống như lệnh cấm tăng giá thì... chúng tôi không biết”, ông Tuấn thẳng thắn nói.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tuân thủ đúng Điều 16, Nghị định 177 hướng dẫn về Luật Giá, tuân thủ đúng quy trình kê khai giá tới Bộ Tài chính. Về việc giải trình, Bộ có quyền yêu cầu và chúng tôi sẽ giải trình tới Bộ”.
Theo quy định, doanh nghiệp chỉ gửi thông báo giá mới tới Bộ Tài chính chậm nhất trước 5 ngày thực hiện. Và thực tế, việc tăng giá này đã được Nestle gửi tới Cục Quản lý giá từ ngày 17/1.
Vị này cho biết thêm: “Các dòng sữa kê khai giá tới Bộ Tài chính chưa hề tăng giá trong vòng 1 năm qua. Bên cạnh các yếu tố đầu vào, chúng tôi còn phải tính các yếu tố thị trường khác như việc sự tăng giá của các đối thủ cạnh tranh. Ngược lại, chúng tôi cũng có những dòng sữa đang có giá bán thấp hơn nhiều so với các nhãn hàng khác, ví dụ như sữa Lactogen Complete, nhưng Bộ Tài chính lại không nhắc đến”.
Như vậy, giá sữa bột trẻ em của Nestle vẫn đang bán tăng 5-9% so với trước. Ví dụ giá sữa Nan HA loại 400g chưa VAT có giá 250.800 đồng/hộp, sữa Nan Al 110 có giá khoàng hơn 176.000 đồng/hộp, sữa Nan BL 400g có giá 204.000 đồng/hộp, sữa Lactogen 2 LR gold có giá 282.000 đồng/hộp.
Đại diện hãng sữa trên còn khẳng định, giá đăng ký kê khai trên tới Bộ Tài chính chỉ là giá bán buôn đến nhà phân phối. Sau đó, nhà phân phối toàn quyền quyết định mức giá bán lẻ tới người tiêu dùng. Nếu họ bán gấp 10 lần so với giá Nestle kê khai tới Bộ thì đó là quyền của họ. Quan điểm của hầu hết các hãng sữa là tự do cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ có lợi nhất.
Trong khi doanh nghiệp tỏ thái độ bình thản trước các lệnh hoãn tăng giá của Cục quản lý giá thì các thông tin báo chí về điều hành giá sữa của cơ quan này gần đây lại có những điều bất nhất.
Hôm 13/2, thông cáo của Bộ Tài chính nêu rằng, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, “từ tháng 12/2013 đến nay đã có 2/6 công ty gửi hồ sơ kê khai giá với mức tăng từ 5-10%, trong đó có 1 công ty kê khai tăng giá 11/27 mặt hàng với mức tăng từ 5-9%, chưa điều chỉnh do việc giải trình chưa rõ về nguyên nhân”. Thông cáo này cũng chỉ nêu 1 trường hợp được tăng giá của Mead Johnson Nutrition.
Trong khi đó, thông cáo ngày 24/2 về điều hành giá sữa đã “lộ” ra rằng, tại thời điểm ngày 13/2 đã có tới 3 công ty tăng giá sữa. Ngoài Nestle và Mead Johnson Nutrition, còn có Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), sở hữu nhãn sữa Alpha và Dielac tăng từ 10/2.
Thêm nữa, cũng cùng ngày gửi công văn cho Nestle (24/2), trong thông tin gửi cho báo chí về điều hành giá sữa, Cục Quản lý giá không hề nhắc đến việc đã yêu cầu công ty sữa này "đừng vội tăng giá".
Phạm Huyền