Nguồn gốc của xà phòng sữa mẹ "made in Vietnam" từ 2 năm trước, trong khi thế giới đã có từ 10 năm nay nhưng hiện không sản xuất nữa - ngoại trừ những người làm theo phương pháp thủ công tại nhà - vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng.
Thời gian gần đây, nhiều phụ nữ truyền nhau về một loại xà phòng được làm từ sữa mẹ (sữa người). Theo đó, loại xà phòng này có các tính năng như tăng cường chất dinh dưỡng cho da, kéo dài thời gian lão hóa, làm mịn da, trắng da và không gây dị ứng. Với trẻ sơ sinh, nó còn trị được chứng "cứt trâu" trên da đầu.
Tuy nhiên, theo một số nhà chuyên môn thì chưa hẳn xà phòng sữa mẹ đã có các tính năng như lời đồn...
Tận dụng sữa thừa
Chiều thứ bảy, tôi ghé thăm Kim, cô bạn thời trung học. Chuyện trò một lát, Kim đưa tôi coi một bánh xà phòng nặng khoảng 100gr nhìn khá lạ mắt. Nó có màu vàng sậm, hao hao như loại xà phòng 72 phần dầu do Liên Xô cũ sản xuất trước đây, ngửi thấy thoang thoảng mùi thơm. Kim nói: "Xà phòng làm từ sữa mẹ đấy. Nghe nói loại này rất tốt nên tôi nhờ người quen mua ngoài Hà Nội gửi vào".
Vẫn theo lời Kim, nhiều bà mẹ sau khi cho con bú đầy đủ, mà vẫn thừa sữa nên họ mang số sữa thừa đó đến một số cơ sở nhờ làm thành những bánh xà phòng để rửa mặt, gội đầu, tắm rửa, không những cho họ mà cho cả con cái họ. Nếu khách hàng trực tiếp mang sữa đến thì sau khi chế biến thành xà phòng, cứ 100g họ phải trả 200 nghìn đồng - là tiền gia công, còn nếu không có sữa mà muốn mua thành phẩm thì 400 nghìn đồng/100gr.
Một trong những loại xà phòng sữa mẹ. |
Nguồn gốc của loại xà phòng sữa mẹ "made in Vietnam" bắt đầu khoảng 2 năm trước (còn trên thế giới thì đã có từ 10 năm nay nhưng hiện tại họ không sản xuất nữa - ngoại trừ những người làm theo phương pháp thủ công tại nhà - vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng - trong đó có nguy cơ sinh học, là tác nhân gây dị ứng, nhẹ thì nổi mẩn ngứa, nặng thì phù thanh quản, suy hô hấp dẫn đến chết người). Khi ấy, có người bạn của một phụ nữ ở Hà Nội, lúc sinh con, thừa sữa nên định bỏ đi.
Tình cờ biết được điều này, cộng với kinh nghiệm làm xà phòng nên người phụ nữ ấy đã đề nghị bạn mình cho sữa để thử nghiệm. Sau khi hoàn tất, chị giới thiệu cho người quen dùng thử và được ủng hộ. Từ đó, hễ bà mẹ nào thừa sữa, muốn dùng nó làm xà phòng thì chị nhận gia công rồi giao lại toàn bộ thành phẩm chứ không bán trên thị trường.
Dần dà, khi thấy mặt hàng này hút khách, một số người khác cũng bắt chước và hiện nay, có không dưới 10 cơ sở ở Hà Nội, TP HCM đang sản xuất và kinh doanh "xà phòng sữa mẹ".
Trên mạng Internet, một trong những người sản xuất xà phòng sữa mẹ ở quận Gò Vấp, TP HCM, cho biết: "Nguyên liệu để làm ra một bánh xà phòng không khó kiếm ở thị trường Việt Nam. Dầu ô liu, dầu dừa, dầu cọ... , trộn đều với nhau và đun ở nhiệt độ 40oC. Riêng sữa mẹ, xút (NaOH) cũng trộn rồi đun ở nhiệt độ 35oC. Cứ 75% hỗn hợp dầu thì cho 25% sữa mẹ đã đun với xút, đổ vào khuôn, đợi khoảng 3 tháng, xút bay hết thì đem ra dùng".
Sữa mẹ và xà phòng
Sữa mẹ hình thành bởi các tuyến tạo sữa trong ngực người phụ nữ sau khi có thai. Các tuyến tạo sữa này phát triển và hoạt động từ tháng thứ ba của thai kỳ do tác động của các nội tiết tố như oestrogen, progesterone, prolactin, lactogen. Sữa xuất hiện nhiều trong khoảng 24 đến 48 tiếng sau khi sinh. Điểm khác biệt là ngực người mẹ không chứa sẵn nhiều sữa như bò, dê hoặc heo.
Khi cho con bú, sức hút từ miệng trẻ tạo ra một phản xạ ở não khiến tuyến yên của người mẹ sản sinh hai nội tiết tố là prolactin và oxytocin. Prolactin kích thích tuyến tạo sữa tiết ra sữa, còn oxytoxin kích thích các tuyến này co bóp và đẩy sữa ra đầu núm vú. Chính vì thế, tính chất của sữa khi trẻ bắt đầu bú khác với tính chất của sữa sau khi đã bú một vài phút. Sữa đầu đặc hơn, có màu xanh nhạt, nhiều chất đạm và lactose, ít mỡ. Sữa ra sau có nhiều mỡ hơn và không hòa tan nên nếu để lắng, phần mỡ sẽ nổi lên trên còn nước - chiếm 80% - ở dưới.
Thành phần của sữa mẹ bao gồm chất đạm, chất béo, omega 3, omega 6, DHA, phospholipid, lutein, taurin, nucleotide, sắt, kẽm, canxi cùng các vitamine nên chẳng phải ngẫu nhiên mà y học gọi sữa mẹ là "nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho hệ tiêu hóa hãy còn non nớt của trẻ sơ sinh". Tuy nhiên, sữa mẹ cũng có những nhược điểm khi bảo quản. Khi mới lấy ra, nó có thể giữ nguyên chất lượng trong 4 tiếng ở nhiệt độ 27oC, 10 tiếng ở 21oC, 24 tiếng ở 16oC, 5 ngày ở 4oC, 2 tuần ở 0oC và 3 tháng ở -5oC. Nếu không nằm trong những điều kiện này thì sau một thời gian tùy theo môi trường, sữa mẹ sẽ có mùi xà phòng mà nguyên nhân là do chất béo phân hủy. Điều đó chẳng khác gì đậu phộng rang hoặc khô dầu để lâu ngày.
Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản, Bệnh viện (BV) quận 3 TP HCM, nói: "Sau khi cho con bú, nếu muốn lấy được 1 lít sữa thừa thì phải mất tối thiểu là 1 tuần đối với những bà mẹ thừa sữa". Thế nhưng số bà mẹ "thừa sữa" lại không nhiều vì theo bác sĩ Hồng: "Khảo sát trong giai đoạn mang thai với 1.000 phụ nữ sinh nở ở BV quận 3 trong các năm 2004, 2005, 2006, chỉ có 76 người thừa sữa".
Riêng với xà phòng, thành phần chính của nó là dầu thực vật hoặc mỡ động vật, cho xúc tác với xút ở nhiệt độ cao. Ông Lâm Văn Bút, người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề làm xà phòng và trước năm 1975, ông là một trong những thợ chính của Hãng xà phòng Tân Phúc Hòa ở Sài Gòn, nói: "Để sản xuất loại xà phòng thông dụng 72 phần dầu, thì cứ 1kg chất béo chẳng hạn, phải cần 0,125kg xút. Sau khi phản ứng xà phòng hóa (saponified) xảy ra, người ta cho natri clorua (muối ăn) vào để xà phòng nổi lên trên vì hỗn hợp muối natri của các axit béo là thành phần chính của xà phòng, cộng với chất tạo bọt.
Tiếp theo, tùy nhà sản xuất, nó được cho thêm hương liệu tạo mùi, màu, rồi làm nguội và ép thành bánh". Với những loại xà phòng tắm cao cấp, nhà sản xuất còn bổ sung glycerin để giữ độ ẩm trên bề mặt da. Lớp glycerin này sẽ hấp thu nước từ môi trường xung quanh và giữ lại khiến da có độ ẩm tự nhiên, mềm mại. Bên cạnh đó, người ta còn sản xuất xà phòng bằng cách oxy hóa chất parafin từ dầu mỏ ở nhiệt độ cao, có muối mangan xúc tác rồi trung hòa axit sinh ra bằng xút.
(Theo ANTG)