Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 nhằm thảo luận cách thức công nghệ số có thể giúp xây dựng một xã hội sáng tạo, cởi mở và bền vững. |
Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 (VIF19) chủ đề “Công nghệ số cho những điều tốt đẹp” vừa khai mạc chiều nay, ngày 20/3 tại Bảo tàng Hà Nội.
Là một trong những sự kiện quan trọng nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thuy Điển và Việt Nam (1969 – 2019), VIF19 là diễn đàn để đại diện cơ quan chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, giới học thuật, doanh nghiệp xã hội, tổ chức phi chính phủ và các nhà đầu tư kết nối, bàn luận về cách thức Internet có thể đóng góp cho một xã hội tiến bộ và sáng tạo.
Trong phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, Đại sứ Thuỵ Điển Pereric Hogberg đã khẳng định tầm quan trọng của Internet và công nghệ số hoá trong việc cải thiện đời sống của người dân và xây dựng thương hiệu về tính cạnh tranh của một quốc gia.
“Hai yếu tố quan trọng nhất trong xã hội Thuỵ Điển là sự cởi mở và tính minh bạch. Ngày nay, 94% người Thuỵ Điển sử dụng Internet với tốc độ kết nối nhanh nhất thế giới. Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ và Internet đã giúp Thuỵ Điển thúc đẩy văn hoá cởi mở, tiếp cận thông tin, đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp, nhờ đó tạo ra những phát minh, sự tăng trưởng và thịnh vượng cho đất nước Thuỵ Điển ngày hôm nay. Một xã hội thông minh chỉ có thể đạt được khi có những công dân thông minh và am hiểu công nghệ”, ông Pereric Hogberg nhấn mạnh.
Nêu bật tầm quan trọng của cá doanh nghiệp trẻ khối kỹ thuật trong nỗ lực giải quyết thách thức lớn mà xã hội đang gặp phải, Quyền Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen chia sẻ: “UNDP đang nỗ lực tìm kiếm những cách tiếp cận mới và giải pháp đột phá nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, giảm nghèo và bất bình đẳng. Trên khắp thế giới, chính những thanh niên mong muốn đổi mới sáng tạo là những người đã ứng dụng công nghệ mới và mạng Internet trong xây dựng xã hội. Kết nối thanh niên đổi mới sáng tạo là chìa khoá giúp chúng ta đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030”.
Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Micheal Croft cho biết, cuốn cẩm nang “Báo chí, “Tin giả” & Tin xuyên tạc” đã được dịch ra tiếng Việt, hướng dẫn cho các nhà báo, phóng viên cách phát hiện tin giả trong bối cảnh kỹ thuật số với nhiều tin tức giả mạo hiện nay. |
Đáng chú ý, trong trao đổi với báo chí bên lề sự kiện, đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Micheal Croft nhận định, các hoạt động số hóa hiện nay đã vượt xa, vượt trên những gì chúng ta biết về mặt công nghệ. Ngày nay, chúng ta đang sống một cuộc sống số. Vấn đề làm thế nào để chúng ta có thể thích ứng được với cuộc sống số hiện nay là một câu hỏi đang đặt ra thách thức không chỉ cho người dân mà cả cho các chính phủ.
Tại Diễn đàn Internet Việt Nam lần thứ nhất, UNESCO đã đề xuất cách tiếp cận “R.O.A.M”, đó là cách tiếp cận mang tính cởi mở, có một lộ trình; cho phép người dân có thể tiếp cận tốt hơn các dịch vụ số và công nghệ; cùng với đó là sự gắn kết sự tham gia của nhiều bên. Cách tiếp cận này cho phép mở ra khuôn khổ toàn cầu trong đó mọi người có thể trao đổi với nhau mọi thứ liên quan đến Internet
Với Diễn đàn năm nay, theo ông Micheal Croft, UNESCO sẽ mở 2 phiên trao đổi về “Mạng xã hội và các hoạt động liên quan”; và “Công dân trong kỷ nguyên số nhận thức trách nhiệm và hoạt động của mình”. Cả 2 phiên trao đổi này đều diễn ra trong ngày mai, 21/3/2019.
Chia sẻ thêm về phiên trao đổi “Mạng xã hội và các hoạt động liên quan”, ông Micheal Croft cho hay, trong thế giới số chúng ta sống ngày nay có rất nhiều thuận lợi về tiếp cận, thu thập thông tin nhưng các thách thức cũng vô cùng lớn. “Thách thức với từng cá nhân, tổ chức là thành tựu công nghệ đã cho phép sản xuất các video, hình ảnh một cách dễ dàng hơn, đồng thời cũng gây khó khăn cho mọi người trong việc xác định được “đâu là thực, đâu là hư”. Các nhà báo cũng như những người làm trong ngành báo chí đều thừa nhận với chúng tôi về thách thức này, đặc biệt là trong thế giới số ngày nay, các nhà báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ gìn sự chính trực, liêm chính của mình”, ông Micheal Croft nói.
Vị đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng “bật mí”: trong khuôn khổ VIF19, UNESCO sẽ giới thiệu cuốn cẩm nang “Báo chí, “Tin giả” & Tin xuyên tạc” đã được dịch ra tiếng Việt, hướng dẫn cho các nhà báo, phóng viên cách phát hiện tin giả trong bối cảnh kỹ thuật số với nhiều tin tức giả mạo hiện nay.
Với phiên trao đổi “Công dân trong kỷ nguyên số nhận thức trách nhiệm và hoạt động của mình”, đại diện UNESCO nhấn mạnh đến “Quyền công dân số” – khái niệm bao hàm cách chúng ta ứng xử với nhau trong thời số như thế nào và cách thời đại số đang thay đổi những giá trị xung quanh chúng ta và chính chúng ta như thế nào. “Trong phiên trao đổi này, chúng tôi sẽ giới thiệu những kết quả nghiên cứu về Quyền công dân số thông qua nghiên cứu, khảo sát cách trẻ em sử dụng Internet ở Việt Nam, Fiji, Hàn Quốc. Từ các kết quả nghiên cứu đó, chúng tôi cũng sẽ đưa ra khuyến nghị về cách thức trẻ em có thể sử dụng Internet hiệu quả hơn”, ông Micheal Croft thông tin thêm.
Đại diện cho Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký cho biết, bước sang năm thứ 22 Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu, bên cạnh sự phát triển đáng ghi nhận về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ các nhu cầu kết nối cơ bản cho một thị trường với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người và tỷ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60%, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc nhận diện và hài hoà một số vấn đề xã hội và pháp lý phát sinh từ các ứng dụng công nghệ mới trên nền tảng Internet. “VIF19 tiếp tục là một cơ hội tốt để chúng ta có được một cái nhìn đa chiều, trên mọi góc độ trong một môi trường cởi mở đề cùng hướng tới mục tiêu thiết lập một cuộc sống số, một xã hội số tốt đẹp hơn”, ông Bình tin tưởng.