Một bang của Úc chi tiền quảng bá gấp 40 lần Việt Nam
Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group |
“Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Chỉ riêng Ủy ban Du lịch khu vực Nam Australia cũng dành 80 triệu USD mỗi năm để quảng bá du lịch. Con số này ở Việt Nam là khoảng 2 triệu USD.
Bên cạnh ngân sách hạn hẹp thì cách thức quảng bá, nội dung quảng bá cũng là vấn đề. Việc tham gia các Hội chợ xúc tiến du lịch còn khá manh mún, rời rạc, chưa tập hợp được sức mạnh tập thể của các doanh nghiệp trong nước. Nội dung quảng bá còn nghèo nàn”.
Đó là những ý kiến được ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group nêu lên tại Hội nghị Du lịch miền Trung, Tây Nguyên được tổ chức mới đây ở Huế.
Cũng tại Hội nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam thẳng thắn cho rằng, thời gian qua du lịch miền Trung - Tây Nguyên mới chỉ khai thác theo cách “tận khai”, “ăn sẵn” tức là “có gì dùng nấy” mà thiếu sự đầu tư đồng bộ trong quy hoạch và chính sách. Các sản phẩm du lịch còn khá đơn điệu và trùng lặp, dịch vụ phục vụ du lịch thiếu hụt. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu, chưa tới tầm đã khiến ngành công nghiệp không khói khu vực chưa thể “cất cánh” như kỳ vọng.
Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73).
Du lịch Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho các chiến dịch quảng bá thương hiệu |
Ông John Lindquist, Cố vấn cấp cao Boston Consulting Group (BCG), thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng, để đưa du lịch Việt Nam lên tầm cao mới, cần phải đầu tư nhiều hơn và có các chiến dịch rộng hơn mang tầm thương hiệu quốc gia.
Để thấy được sự ảnh hưởng của một chiến lược quảng bá bài bản và nhất quán, đại diện BCG cũng dẫn chứng hai trường hợp tiêu biểu là Dubai và Malaysia.
Dubai hiện trở thành một trong những điểm đến thành công nhất thế giới. Không chỉ xây dựng được một thương hiệu mang tầm quốc gia, Dubai còn định hướng rõ ràng được ba trụ cột cần hướng tới là mua sắm, sang trọng - nghỉ dưỡng và giải trí gia đình. Điều này đã tạo ra sức bật rất lớn, giúp Dubai trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Hay Malaysia cũng đã xây dựng định hướng giá trị rõ ràng, gồm đa dạng về văn hóa, sang trọng - hợp túi tiền, niềm vui gia đình và phiêu lưu với thiên nhiên. Nhờ một chiến dịch bài bản, Malaysia cũng đã thành công khi hướng tới những phân khúc khác nhau với nguồn thu cao nhất có thể.
Xã hội hóa quảng bá du lịch, tại sao không?
Đi tìm lời giải cho bài toán làm sao để công tác quảng bá du lịch miền Trung- Tây Nguyên nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, ông Đặng Minh Trường đề xuất, ngành du lịch các địa phương cần có cơ chế xã hội hóa công tác quảng bá để đạt được những hiệu quả cao nhất.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cũng cho rằng, để miền Trung - Tây Nguyên trở thành điểm sáng du lịch mang tầm khu vực, thế giới thì ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch, hạ tầng cơ sở, cần phải có cơ chế để thúc đẩy xúc tiến, quảng bá một cách hiệu quả.
Du lịch Đà Nẵng tăng trưởng mạnh nhờ sức hút của những công trình du lịch được đầu tư bài bản |
Xã hội hóa quảng bá du lịch cũng không khác gì xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng du lịch những năm gần đây. Sự tham gia của kinh tế tư nhân vào những lĩnh vực này đã khiến du lịch nhiều địa phương khởi sắc. Đà Nẵng là một ví dụ. Giai đoạn 10 năm 2007-2017, lượng du khách đến Đà Nẵng tăng gấp 5 lần, từ 1,2 triệu lượt lên gần 7 triệu lượt, doanh thu xấp xỉ 20 ngàn tỷ đồng. Số lượng khách sạn trong 10 năm qua cũng tăng 10 lần và du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Đà Nẵng trở thành "thủ phủ du lịch miền Trung".
Cây Cầu Vàng nổi tiếng quốc tế, góp phần nâng tầm du lịch Đà Nẵng |
Khi nhắc đến thành công của Đà Nẵng, người ta không thể không nhắc đến các công trình sản phẩm đẳng cấp và chất lượng của Tập đoàn Sun Group, đã mang về những kết quả kinh doanh ấn tượng, những danh hiệu quốc tế cao quý nhất, làm nên niềm tự hào của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Như Sun World Ba Na Hills với cây Cầu Vàng đưa Đà Nẵng vươn ra thế giới, Sun World Danang Wonders, Lễ hội pháo hoa DIFF, các khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort khiến cả thế giới ngưỡng mộ… dấu ấn của “sếu đầu đàn” Sun Group là minh chứng cho việc, kinh tế tư nhân, xã hội hóa trong đầu tư du lịch sẽ mang đến những hiệu quả bất ngờ.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực. Để đạt được mục tiêu này, những nỗ lực trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng thôi chưa đủ mà cần phải có chính sách quảng bá, xúc tiến hiệu quả, mang tầm quốc tế. Lời giài cho bài toán này có thể thấy từ câu chuyện thay đổi diện mạo của du lịch Đà Nẵng nhờ kinh tế tư nhân, vấn đề còn lại là thời gian và sự quyết tâm của chính quyền các địa phương và lãnh đạo ngành.
Doãn Phong