Định hướng phát triển đàn đại gia súc theo hướng an toàn sinh học đã từng bước thay đổi diện mạo xã Can Hồ (Mường Tè, Lai Châu).

Xã Can Hồ có 5 bản, 510 hộ, với trên 2.100 nhân khẩu, là nơi chung sống của 3 dân tộc: Si La, Hà Nhì, Mông.

Trong những năm qua, Can Hồ xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa ra định hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc, từng bước chuyển từ chăn nuôi lấy sức kéo sang mục tiêu sản xuất thực phẩm hàng hóa, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, chăn nuôi theo hộ, nhóm hộ… và áp dụng theo hướng an toàn sinh học, tăng giá trị cho gia súc.

{keywords}
Xã Can Hồ phát triển chăn nuôi đại gia súc an toàn dịch bệnh

Bản Xì Thâu Chải (xã Can Hồ) có 80 hộ, trên 400 nhân khẩu. Bản được thành lập theo chương trình tái định cư Thủy điện Lai Châu, là nơi chung sống của hai dân tộc Si La và Hà Nhì.

Anh Hù Chà Sơn - Trưởng bản cho biết, những năm qua, thực hiện theo chủ trương phát triển kinh tế của xã, bà con dân bản tập trung chăm sóc bảo vệ rừng và tổ chức chăn nuôi đại gia súc.

Trên cơ sở những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản tuyên truyền vận động các hộ dân trồng trên 3ha cỏ voi và quy hoạch vùng chăn thả bên kia sông Đà để phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò tập trung và đề ra mục tiêu nâng tốc độ tăng trưởng đàn gia súc lên 7%/năm trở lên.

Đồng thời, chủ động phối hợp với cán bộ thú y xã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc.

Chỉ tính riêng năm 2020, từ các nguồn lực bản Xì Thâu Chải được cấp 54 con bò giống và làm mới 3 chuồng trại chăn nuôi tập trung. Nhờ vậy, đàn trâu, bò của bản phát triển tốt, đến nay tổng đàn có trên 120 con.

Nhân dân các bản trên địa bàn xã đã phát huy tiềm năng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, 5/5 bản hình thành các điểm chăn nuôi tập trung có truồng trại dưới tán rừng. Chuồng trại được xây dựng kiên cố, trải bê tông, đệm lót sinh học.

Ông Lý Chà Lối - Chủ tịch UBND xã Can Hồ chia sẻ: Theo kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, Can Hồ được quy hoạch là vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi thủy sản, phát triển các loại cây công nghiệp như quế, mắc-ca và cây dược liệu; trong đó phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi chủ lực, tạo đà phát triển kinh tế.

Triển khai kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, xã Can Hồ cụ thể hóa bằng chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã là tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt trên 6,5%/năm.

UBND xã chủ động xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên kế hoạch của huyện, giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn của xã và các bản phát huy tối đa lợi thế của địa phương, chăn nuôi trâu, bò ở các vùng có diện tích rừng và đất tự nhiên rộng theo mô hình trang trại, nhóm hộ gia đình có điều kiện gắn với chủ động phòng chống, ngăn chặn các loại dịch bệnh.

Đồng thời, vận dụng tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước như: 30a, 135/CP, đặc biệt là nguồn vốn từ Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 (trong giai đoạn 2018-2020, Nhà nước đã hỗ trợ cho các hộ gia đình người Si La trên địa bàn gần 100 con bò), 5 chuồng trại chăn nuôi tập trung để hỗ trợ người dân từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại, nuôi nhốt có chuồng trại gắn với trồng cỏ…

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã có trên 1.200 con gia súc (trong đó có trên 550 con trâu, bò), trên 7ha cỏ.

Đình Thành