Spoil không đáng kể, nhưng đi xem về rồi mới đọc chắc hay hơn*

Tiếp tục góp mặt vào series hoạt hình 3D của Disney, Wreck-It Ralph, đã được trao cho tựa đề hơi gây hiểu lầm so với phần đầu: "Ralph Breaks the Internet" (WIR2).

Về mặt lý thuyết, bộ phim này chẳng có gì tương đương lắm với sự kiện mang tính "Breaking", kiểu như Kim Kardashian khoe bàn tọa hay Elon Musk bật khóc khi trả lời phỏng vấn.

Cũng giống như phần đầu ra mắt vào năm 2012, ta choáng ngợp bởi thế giới dễ thương và đầy màu sắc của Wreck-It Ralph. Tuy nhiên, cốt lõi của bộ phim lại là lòng tốt, tình bạn giữa những nhân vật trong thế giới số.

Phần này cũng thế, tình bạn ấy vẫn tiếp nhưng rủi ro hơn (rõ ràng là vậy, với một phim hoạt hình cho cả gia đình) vì hé lộ những góc khuất của Internet, sự mâu thuẫn trong tư tưởng của mỗi cá thể dù rất thân thiết và sẵn sàng hy sinh cho nhau.

Có thể bạn sẽ không khóc khi xem Wreck-It Ralph 2, thay vào đó là những tiếng cười sảng khoái mà những phim gần đây của Disney có vẻ thiếu vắng.

"Ralph Breaks the Internet"

Lần này Ralph đập phá thứ gì?

Kể từ sự kiến cuối cùng trong Wreck-It Ralph (2012), 6 năm đã trôi qua, hầu hết các nhân vật trong các máy game thùng vẫn xuất hiện (Sonic the Hedgehog, Q-Bert và vài anh em trong Street Fighter).

Người xem vẫn bị thu hút bởi cuộc đời đáng yêu và dễ đoán của Ralph (lồng tiếng bởi John C.Reilly): Tối ngày làm một gã xấu trong game thùng hư cấu Fix-It Felix Jr., tầm tối thì dính như sam với cô bạn thân Vanellope (Sarah Silverman).

Có vẻ như, mọi thứ vẫn hệt như thế trong 6 năm qua. Thế nhưng Vanellope tỏ ra chán chường với cuộc sống lặp đi lặp lại trong game đua xe kẹo ngọt của mình.

Ralph lại một lần nữa "Wreck-It" bằng cách gây lộn tùng phèo game của Vanellope với hy vọng sẽ giúp cô bé vui vẻ hơn. Tuy nhiên, một vài sự cố nghiêm trọng đã xảy ra và sự sinh tồn của thế giới đua xe Sugar Rush phải phụ thuộc vào phát minh lịch sử của con người: Internet.

WIR2 khiến khán giả chờ đợi hơi lâu mới được "online". Chỉ một câu nói của anh thợ sửa chữa Felix (Jack McBrayer) khiến tiết tấu phim nhanh hơn hẳn. Ralph và Vanellope lẩn vào cục phát Wi-Fi, hòa mình vào Internet và để lại phía sau thế giới game thùng. Từ đó về cuối, tiết tấu phim được đẩy lên hàng "gigabit".

"Internet" của WIR2 tràn ngập những avatar đầu vuông chằn chặn như Minecraft (nhưng phân giải cao hơn), đại diện cho người dùng ngoài đời thực. Họ bước tới những ki-ốt đầy màu sắc để thực hiện các tác vụ thông thường khi online. Điểm nhấn thú vị chính là gã quản lý quầy tìm kiếm thông tin (cái gì đó tương tự Google Search) - hắn nói liến thoắng và giải thích rằng, cái đó "chỉ là chức năng gợi ý kết quả tìm kiếm thôi". Có hài hước thật, nhưng chức năng này đôi lúc rất phiền.

Hầu hết những thứ phổ biến trong thế giới Internet của loài người được phô bày. Không chỉ có màu hồng, mà có cả quảng cáo pop-ups, lag, bugs và glitches, cả mấy ông chuyên làm virus để phá phách người khác.

Mỗi khi stress, Vanellope lại bị "glitch" như phần đầu. Rõ là lỗi nhưng được coi là tính năng, nghe quen đúng không?

Hơi nhanh, nhanh đến độ chớp mắt là bỏ lỡ các chi tiết thú vị

Thế giới Internet trong WIR2 quả thật tươi đẹp và lộng lẫy, tuy nhiên, tiết tấu nhanh đến độ - chỉ cần chớp mắt hay ngáp một cái là bỏ qua nhiều điều hay ho về... cơ sở hạ tầng mạng trong phim.

Tuy nhiên, sự hài hước của WIR2 không đòi hỏi trong đầu bạn phải có quá nhiều kiến thức mới cười được (phim gia đình mà). Nhiều thứ được đơn giản hóa đến mức không tưởng, chính vì thế mà bạn phải bật cười: Twitter là một cái cây to, đầy chim xanh bay lượn; Dark Web giống hệt một khu ổ chuột bừa bộn.

Nút thắt hiện ra khi Ralph và Vanellope bước chân vào thế giới MMO (massively multiplayer game) - Slaughter Race. Mà game online, bạn biết rồi đấy, đầy sự ích kỷ và bẩn tính. Tuy nhiên, nó là bản ballad vui nhộn nổi bật giữa những khúc ca buồn nhưng ngọt ngào của Disney trong nhiều năm qua.

Nếu WIR1 gói gọn trong thế giới game thùng đẹp đẽ nhưng có phần chật hẹp - Trong internet của WIR, Ralph và Vanellope phải chấp nhận một thực tế tàn nhẫn: Tình bạn sẽ thay đổi khi mục tiêu sống trở nên khác biệt. Cả 2 nhân vật đều ôm ấp những mong muốn và hy vọng, mong thực hiện chúng thông qua Internet. Dẫu vậy, họ đều lo lắng tình bạn đó sẽ mất đi hoặc khó mà vẹn nguyên. 

Ralph to khỏe và nhanh nhảu nhưng hóa ra tình cảm đến mức hơi bị lụy (tan vỡ khi đọc comment trên mạng); còn Vanellope cá tính và ương bướng nhưng rõ ràng không phải một đứa trẻ dễ bị qua mặt.

Tuyệt đối đừng ngáp hay chớp mắt khi xem đến đoạn Vanellope gặp tổ đội Công chúa nhé, rất thú vị

Cách WIR2 truyền tải nội dung đến người xem, khiến tôi nghĩ đến những thiếu sót của Ready Player One. WIR2 dù đơn giản nhưng trực quan là lãng mạn hơn thay vì khiến người xem chết chìm trong đống CGI (nếu bạn không nerd cho lắm, xem xong RPO về tra Google chán mới ra hết Easter Eggs).

WIR2 đơn giản là câu chuyện hoạt hình dễ hiểu: Những đứa trẻ cùng khám phá thế giới ảo rực rỡ trước khi biết cách đặt câu hỏi và khám phá chính bản thân. Đến giữa phim, Vanellope đã bình luận: "Nơi này đầy những kẻ kỳ quặc và nguy hiểm, bạn sẽ không bao giờ biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo".

Nếu Steven Spielberg biết thừa khán giả của Ready Player One toàn geeks và nerds hạng nặng, ông ném vào đó một tỷ thứ liên quan đến geeks và nerds để xem cho sướng. WIR2 thì khác, nó khiến một con nerd nửa mùa như tôi nghẹn ngào khi nhớ lại lần đầu mình bước chân vào Internet: Đẹp đẽ, nhiệm màu nhưng lắm lúc cô đơn đến cùng cực.

Để khẳng định WIR2 "đập chết" được Ready Player One thì không đúng cho lắm. Đơn giản thế này, nếu cùng vũ trụ Internet đó, mỗi phim thể hiện một góc nhìn khác nhau. Ready Player One có lẽ đen tối hơn, trưởng thành hơn, giống như chocolate đắng nhưng biết ăn sẽ thấy ngon; còn WIR2 giống hộp váng sữa cho tâm hồn, ngon bổ và dễ ăn hơn.

86% "fresh TOMATOMETER", 7.7 IMDb, đợi gì nữa mà không đi xem Wreck-It Ralph 2.

Theo GenK