Như thông tin ICTnews đã đưa, vào rạng sáng thứ Bảy tuần trước theo giờ địa phương, nhà máy sản xuất iPhone của Wistron tại Ấn Độ đã bị đập phá tài sản, dẫn đến hư hỏng nhiều thiết bị, máy móc. Theo Times of India, bạo lực bùng phát do nguyên nhân từ những bất đồng về vấn đề lương thưởng của nhân viên. Nhưng tuyên bố này đã bị Wistron phủ nhận.
Bạo loạn tại nhà máy sản xuất iPhone Ấn Độ. |
Nguyên nhân bạo loạn do bất đồng lương thưởng?
Nhà máy bị tấn công nằm trong Khu công nghiệp Narsapur ở Karnataka, là nhà máy thứ ba do Wistron xây dựng tại Ấn Độ, chủ yếu sản xuất các sản phẩm iPhoneSE, thiết bị Internet of Things (IOT) và công nghệ sinh học.
Khoảng 2.000 ngân viên bắt đầu cuộc bạo loạn sau khi kết thúc giờ làm việc ca đêm. Theo cáo buộc của một số người, “lương kỹ sư hàng tháng theo hợp đồng ban đầu là 21 ngàn Rupee (viết tắt là Rs - khoảng 6,6 triệu đồng) nhưng bị giảm xuống 16 ngàn Rs (5 triệu đồng) và sau đó là 12 ngàn Rs (3,8 triệu đồng) trong những tháng gần đây”.
Thông tin từ Apple Insider cho biết, với những nhân viên không tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật, mức lương chỉ còn 8 ngàn Rs (2,5 triệu đồng). Thậm chí, một số người còn tiết lộ chỉ nhận được lương khoảng 500 Rs (150 ngàn đồng) trong tài khoản ngân hàng. Bất mãn về vấn đề lương thưởng không giống như trong thỏa thuận ban đầu được cho là nguyên nhân khởi phát vụ bạo loạn.
Wistron Telecom phủ nhận có lỗi
Theo truyền thông Đài Loan, Wistron nói rằng đây không phải là một cuộc đình công mà là một tội ác, do sự yếu kém của an ninh địa phương đã khiến nhà máy trở thành mục tiêu của bọn tội phạm và những kẻ bạo loạn là người ngoài cuộc chứ không phải nhân viên.
Một người am hiểu vấn đề này đã nói với truyền thông Đài Loan rằng, Wistron ủy thác cho 5 công ty địa phương giúp tìm và thuê lao động, Wistron phân bổ tiền cho các công ty hàng tháng theo điều khoản lương đã hứa. Do đó, người này cho rằng, việc truyền thông Ấn Độ đưa tin Wistron tiếp tục giảm mức lương như đã thỏa thuận với người lao động là hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Đây là một tranh chấp giữa công ty dịch vụ lao động và người lao động.
Nhiều tài sản đã bị đập phá. (Ảnh chụp màn hình) |
Một số người dân địa phương cho biết, vụ bạo loạn của Wistron không hề đơn giản, cần được điều tra và làm rõ thêm.
Đã lên kế hoạch tuyển dụng 7.000 nhân sự từ 4 tháng trước
Wistron, do Acer tách ra, được thành lập vào năm 2001 và trụ sở điều hành đặt tại Đài Loan, hiện có hơn 80.000 nhân viên trên toàn thế giới, chủ yếu cung cấp máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy chủ, thiết bị lưu trữ mạng, thiết bị thông tin, thiết bị di động và các sản phẩm, dịch vụ khác.
Báo cáo tài chính năm 2019 của Wistron cho thấy doanh thu của công ty là 878,3 tỷ Đài tệ (khoảng 31,2 tỷ USD) và lợi nhuận ròng là 6,8 tỷ Đài tệ (241 triệu USD). Với tư cách là một trong những xưởng sản xuất chính của Apple ở Ấn Độ, sau khi Wistron đề xuất khoản đầu tư khoảng 29 tỷ Rs (900 tỷ đồng) và cung cấp 10.000 việc làm, chính quyền bang Karnataka đã cung cấp cho Wistron 17ha đất tại Khu công nghiệp Narsapur.
Trước đó, Wistron có kế hoạch sản xuất hàng loạt iPhone cao cấp tại nhà máy Narsapur. Vì vậy, họ có kế hoạch tiến hành tuyển dụng quy mô lớn để tăng thêm số lượng việc làm lên 10.000.
Theo Chính sách Công nghiệp Karnataka, ít nhất 70% trong số 10.000 việc làm này cần được cung cấp cho người dân địa phương. Vào thời điểm đó, nhà máy Narsapur đã sử dụng khoảng 2.000 nhân viên. Gaurav Gupta, Thư ký chính của Bộ Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ, nói một cách lạc quan: “Chúng tôi rất vui khi thấy rằng quá trình tuyển dụng đã được tiến hành. Họ sẽ sớm bắt đầu sản xuất”.
Điều đáng tiếc là chỉ 4 tháng sau, sự lạc quan một thời đã phát triển thành một cuộc bạo động với gần 2.000 người.
Phong Vũ
Video 'nóng' công nhân đập phá tại nhà máy sản xuất iPhone
Các công nhân tại một nhà máy sản xuất iPhone ở Ấn Độ đã đập phá các văn phòng hôm 12/12 do liên quan tới việc trả lương.