Chương trình CMC Cloud Talk số thứ 3 có sự tham gia của ông Lâm Duy Diễn - chuyên gia điện toán đám mây tại CMC Telecom, ông Vũ Mạnh Cường - CTO Wilmar. Hai diễn giả đã có những trao đổi và chia sẻ cởi mở về việc ứng dụng điện toán đám mây tại Wilmar nói riêng và trong ngành sản xuất nói chung.
Theo chia sẻ của ông Cường, nếu thực hiện việc lưu trữ dữ liệu tại chỗ (On Premises) như trước đây, khi có dự án Wilmar phải làm thủ tục đặt thiết bị từ các hãng Dell, Lenovo,... để mua máy chủ. Quá trình đặt hàng nhanh nhất cũng phải mất 8 tuần. Với dịch vụ điện toán đám mây CMC Cloud, chỉ cần 1’30s để khởi tạo một máy chủ mới và đưa vào hoạt động ngay lập tức. Bên cạnh việc tối ưu chi phí, Wilmar còn tiết kiệm được công sức và phần lớn thời gian cho việc sản xuất, nhanh chóng đáp ứng nguồn cung cho thị trường.
Tập đoàn Wilmar đã thành lập hơn 30 năm và hiện đang là một trong những doanh nghiệp lớn ở châu Á trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh kinh doanh lĩnh vực liên quan đến dầu cọ, Wilmar còn có các hoạt động kinh doanh khác bao gồm tinh luyện dầu ăn, đường; sản xuất phân bón, chế biến ngũ cốc… Tập đoàn hiện có hơn 500 nhà máy sản xuất và hệ thống phân phối trải dài hơn 50 quốc gia. Trong đó, công ty con của Wilmar tại Việt Nam là Công ty Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) với các sản phẩm dầu ăn như Neptune, Simply, Meizan...
Để quản lý, vận hành trơn tru chuỗi nhà máy sản xuất “khủng" này, Wilmar cần một nền tảng điện toán đám mây đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất.
“Một nền tảng tốt đối với Wilmar phải có công nghệ hiện đại, bảo mật cao, khả năng mở rộng linh hoạt với chi phí hợp lý. Quan trọng nhất là độ ổn định và dịch vụ hỗ trợ. Nhà máy luôn hoạt động 24/7, sự cố có thể xảy ra bất chợt vào giữa đêm, chúng tôi cần đội kỹ thuật phản hồi ngay lập tức để phục hồi hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa thời gian chết của hệ thống. Bên cạnh đó, IT sẽ sử dụng nhiều hệ điều hành như window, linux,… Hạ tầng máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo cung cấp máy chủ tương thích với tất cả các hệ điều hành đó. CMC Cloud đã đáp ứng được toàn bộ những yêu cầu này của chúng tôi”, Giám đốc công nghệ của Wilmar chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Cường, tiêu chí không kém phần quan trọng để Wilmar lựa chọn CMC Cloud là nền tảng điện toán đám mây của CMC Telecom, một trong những nhà cung cấp hạ tầng lớn nhất tại Việt Nam. Với nhà cung cấp trong nước, CMC Cloud sẽ có cơ sở hạ tầng kết nối tốc độ cao, ổn định, giảm thiểu độ trễ so với sử dụng Cloud quốc tế. Bên cạnh đó, việc yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP cũng hoàn toàn được tuân thủ.
Ông Lâm Duy Diễn, chuyên gia điện toán đám mây tại CMC Telecom khẳng định: “Khả năng chịu tải, tùy biến máy chủ và ổ lưu trữ là yếu tố quan trọng trong việc cung cấp giải pháp cho hệ thống công nghệ sản xuất của Wilmar. Trong nhà máy có mùa cao điểm, giờ cao điểm nên cần có sự co giãn linh hoạt của hệ thống máy chủ để tối ưu chi phí sử dụng. Nền tảng CMC Cloud tích hợp dịch vụ Auto Scaling sẽ tự động tăng hoặc giảm số lượng máy chủ ảo được phân phối cho ứng dụng vào tất cả thời điểm theo nhu cầu sử dụng. Định kỳ 5 phút/lần, hệ thống sẽ tự động kiểm tra, đưa ra cảnh báo để đảm bảo không bị quá tải VM. Kết hợp với tính năng Elastic Load Balancer, dữ liệu sẽ được cân bằng tải giữa các máy chủ hiệu quả, đảm bảo hiệu suất vận hành ổn định”.
Ông Diễn cũng cho biết, để đáp ứng các yêu cầu của Wilmar nói riêng và ngành sản xuất nói chung, CMC Cloud liên tục được nâng cấp và trở thành Cloud Make in Vietnam tiên phong chuyển sang thế hệ thứ 2.
Ở phiên bản mới này, CMC Cloud sử dụng kiến trúc Cloud Native với công nghệ ảo hoá KVM, SDS (Software Defined Storage), SDN (Software Defined Network). Trong đó, Chip Intel Sapphire Rapids hiện đại, hiệu năng mạnh mẽ nhất trên thị trường; năng lực lưu trữ không giới hạn với ổ đĩa HDD, tối ưu tốc độ đọc ghi với 100% ổ đĩa All Flash, băng thông mạng hỗ trợ lên đến 40Gbps, đều thuộc phân khúc cao nhất thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu và đảm bảo hiệu suất hoạt động ổn định lên tới 99,99%. Vẫn với phương thức “Pay as you go" nhưng thay vì chi trả chi phí theo tháng/ năm, ở thế hệ mới nâng cấp của CMC Cloud, doanh nghiệp chỉ cần trả tiền theo lưu lượng sử dụng thực tế tính theo ngày.
“CMC Cloud thế hệ thứ 2 đã có một bước tiến rất xa trong việc cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Wilmar hưởng lợi rất nhiều khi triển khai những ứng dụng theo mô hình mới trên CMC Cloud bằng kiến trúc Microservices với dịch vụ K8s”, ông Cường khẳng định.
Chương trình CMC Cloud Talk là một chuỗi các tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp thực tế của các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây cho hành trình chuyển đổi số. Từ những trao đổi và chia sẻ của bên cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp chuyển đổi số, các doanh nghiệp có thể học hỏi và rút kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi số của mình. |
Thúy Ngà