Trong cuộc chạy đua giữa các hãng hàng không, kết nối Internet không dây vẫn luôn là yếu tố gây đau đầu nhiều nhất. Dường như bài toán Internet hàng không giá rẻ với tốc độ nhanh chóng hiện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Bất kể vào thời gian nào trong năm, mỗi ngày luôn có ít nhất vài ngàn chuyến bay trên khắp nước Mỹ. Người ta cũng dần quen với sự có mặt của một dịch vụ Internet không dây và phần lớn đều đã hình thành thói quen làm việc và thư giãn trên máy bay sử dụng mạng Internet. Tuy nhiên, chất lượng Internet trên mỗi chuyến bay lại rất khác biệt.

Có vẻ như thị trường Internet hàng không ở Mỹ không hề tuân theo bất cứ một quy luật nào. Trên một chuyến bay phổ thông ở Mỹ, bạn sẽ phải trả 10 -20 USD để sử dụng Internet. Tuy nhiên, số tiền đó dường như vẫn chưa đủ để thoải mái sử dụng Internet bởi nếu có nhiều người cùng lúc truy cập mạng, tốc độ đường truyền lúc này sẽ không hề xứng đáng với mức giá khá cao bạn phải bỏ ra.

Ở một ví dụ khác, hãng hàng không giá rẻ của Mỹ JetBlue lại lựa chọn một hướng đi khác trong việc cung cấp truy cập Internet tới từng hành khách. Thay vì tốc độ đường truyền chậm chạp và đắt đỏ, dịch vụ Fly-Fi của Jetblue hiện đang đứng đầu bảng về tốc độ truy cập lên tới hơn 10 Mbps và không hạn chế các ứng dụng băng thông cao như Netflix trên mạng lưới của mình.

{keywords}n

Hành khách thường rất e ngại khi sử dụng kết nối Wifi trên máy bay do giá cả cao và chất lượng không tương xứng.


Tại sao lại có sự khác biệt lớn đến vậy? Theo ông Tim Farrar, nhà phân tích viễn thông vệ tinh của TMF Associates, đây là kết quả của sự kết hợp giữa mô hình kinh doanh và công nghệ. Các hãng hàng không lựa chọn các dịch vụ mạng khác nhau để trang bị cho máy bay của mình, trong số đó có một vài gói mạng đã lỗi thời và chậm chạp bên cạnh những đại diện khác nhanh chóng và hiện đại hơn. Tuy nhiên theo ông, lý do chính khiến hành khách phải trả thêm tiền cho kết nối Internet trên các chuyến bay là nhằm cân đối kế hoạch kinh doanh tổng thể của hãng.

Đối với hầu hết các hãng hàng không lớn, Internet là một món “hời” về doanh thu bởi nhu cầu chưa bao giờ giảm mà còn có xu hướng không ngừng tăng. Đơn cử như hãng cung cấp Internet hàng không Gogo rất nhạy bén khi đi đầu xu hướng với ý tưởng chi phí truy cập Internet của hành khách sẽ được hỗ trợ hoàn toàn từ cấp trên ở công ty của họ. Hành khách sẽ thoải mái “lướt mạng" trên mây mà không còn nỗi lo hóa đơn tiền mạng với cái giá “trên trời”.

{keywords}

Internet luôn là một món "hời" về doanh thu của các hãng hàng không lớn bởi nhu cầu không ngừng tăng.


Ông Farrar nhận định, bước đi thông minh của Gogo đã khiến toàn bộ các hãng hàng không phải học tập khi biết cách kiếm nhiều tiền nhất có thể từ một lượng nhỏ hành khách. Thông thường, chỉ có 7% lượng hành khách lựa chọn sử dụng dịch vụ Internet của Gogo trên chuyến bay, nhưng thế đã là quá đủ cho Gogo trang trải chi phí vận hành mạng và phân chia lợi nhuận cho các đối tác hàng không mỗi tháng.

Trong khi giá cả được quyết định bởi mô hình kinh doanh của hãng hàng không, tốc độ thực tế của mạng Internet sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào loại mạng Internet được chọn để cung cấp cho khách hàng. Máy bay nhận kết nối Internet từ trên cao (kết nối với các vệ tinh trong quỹ đạo) hoặc từ bên dưới (liên kết với các tháp di động trên mặt đất). Tùy thuộc vào loại công nghệ được sử dụng và các loại ăng-ten trong máy bay, các mạng này có thể hỗ trợ kết nối tới bất cứ nơi nào với tốc độ từ 3 - 70 Mbps.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn sẽ phải dùng chung mạng với hàng trăm người khác nữa. Cụ thể, bạn sẽ không chỉ phải chia băng thông cho tất cả các hành khách khác trong cabin chính mà còn với tất cả các máy bay khác trong cùng một vùng trời.

{keywords}

Trên máy bay, bạn sẽ luôn phải dùng chung mạng với ít nhất vài trăm người nữa.


Tùy thuộc vào các thiết bị trên máy bay, dịch vụ Gogo sử dụng mạng lưới không đối đất để hỗ trợ kết nối có tốc độ lên đến 3,1 - 9,8 Mbps. Nếu số lượng hành khách trên máy bay không quá lớn, tốc độ mạng đến người dùng vẫn tương đối cao với khoảng 1-2 Mbps cho mỗi hành khách.

Gogo cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ vệ tinh trên một số chuyến bay nhằm cung cấp tốc độ mạng từ 40 - 70 Mbps ở bất cứ vị trí nào trên máy bay. Khác với các hệ thống không đối đất, mạng lưới vệ tinh có khả năng lan tỏa mức độ phủ sóng trên diện tích cực lớn.

Điều này có nghĩa các máy bay hoạt động trong cùng tuyến bay đều có thể dùng chung hệ thống mạng với chất lượng đường truyền khá tốt. Ngoài ra, công ty này còn cung cấp hàng loạt lựa chọn đa dạng về giá cả từ 5 USD cho chuyến bay kéo dài một tiếng cho đến 60 USD cho gói cước thuê bao hàng tháng.

Điều đáng buồn là nếu bạn từng đi những chuyến bay của các hãng lớn và phải trả một khoản kha khá để đổi lấy một kết nối Internet không được ưng ý lắm, thì trong tương lai sẽ khó có sự cải thiện nào đáng kể. Ngay cả Gogo cũng đang dần tăng phí sử dụng Internet chứ không hề có xu hướng giảm đi.

Một khi chưa tìm ra giải pháp cho một nguồn mạng ổn định và giá thành dễ chịu hơn trong khi nhu cầu của hành khách vẫn tiếp tục tăng cao, Wifi vẫn là một món hàng dịch vụ "xa xỉ" trên mỗi chuyến bay của các hãng hàng không lớn.

Có thể kết luận, rõ ràng chi phí cao chưa thể đảm bảo cho một kết nối Internet mạnh. Tuy nhiên, những cải tiến về công nghệ trong tương lai gần hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực. Trên các chuyến bay gần đây, tốc độ Wifi đang dần được cải thiện cùng với các nâng cấp về máy móc của hãng hàng không.

Với thực tế kết nối Internet không dây đang ngày một trở nên phổ biến trên nhiều tuyến bay nội địa và quốc tế, các hãng hàng không cần có nhiều hướng đi mới như giảm giá hoặc miễn phí kết nối Internet thì mới có khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác.

Theo Trí thức trẻ/ Fortune